Monday, April 10, 2017

“The garden” của Hieronymus Bosch: Khi Lady Gaga của Phục Hưng Hà Lan tưởng tượng





Để có một chỗ đứng trong thế giới văn hóa–nghệ thuật–giải trí không phải là điều dễ, dù ở thế kỉ 21 hay thời Trung Cổ. Tài năng là một điều cần nhưng chưa đủ. Những người được chú ý, nhớ đến, bàn tán nhiều nhất thường là những “outliers” – những kẻ từ chối đi theo lối mòn. Có những “outliers” trở thành “visionaries” – những người có cái nhìn tiên tri, những kẻ tiên phong mở đường. Có những “outliers” vĩnh viễn đứng một mình một cõi, đơn giản vì không một kẻ đến sau nào đủ độ “quái” để trở thành truyền nhân của họ. Hieronymus Bosch chính là một kẻ lập dị như vậy.

Nghệ sĩ tiếng tăm nào cũng có một phong cách đặc biệt, một cái lạ riêng. Botero vẽ người béo, Giacometti đúc người gầy, Yves Klein bị ám ảnh với màu xanh lam, Arcimboldo lắp ghép hoa quả thành người, Bruegel chỉ thích vẽ nông dân, v.v,… Điều khiến Bosch vượt lên, thuộc về một đẳng cấp khác là ông có tầm nhìn rộng lớn, trí tưởng tượng xuất chúng, khả năng linh hoạt hơn – ba yếu tố không thể thiếu giúp Bosch tạo ra những thế giới màu nhiệm và quái dị có một không hai. Để dễ dàng so sánh, có thể đặt Bosch ngang hàng với  những J. R. R. Tolkien (The Lord of the Rings,) J. K. Rowling (Harry Potter) của văn học hay George Lucas của điện ảnh (Star Wars,) Đa phần người thường sẽ quá “đuối” nếu phải dựng lên một vũ trụ tưởng tượng với đủ chi tiết từ vi mô đến vĩ mô. Bosch không hề muốn làm một người bình thường, cả trong sự nghiệp lẫn trong đời tư.

Ngoài tên gọi và năm mất, cuộc đời Bosch vẫn là một ẩn số. Ngay cả năm sinh chính xác của họa sĩ cũng không được xác định mặc dù Bosch có tiếng tăm và được chào đón với các đơn đặt hàng nước ngoài. Ông có lấy vợ (thời điểm không rõ) và qua đời ở tuổi 60. Không còn một tài liệu, thư từ nào của bạn bè, đồng nghiệp, hay họ hàng, có thể giúp gợi ý cho chúng ta lý do Bosch tiếp cận nghệ thuật theo cách độc đáo như vậy. Cá biết bay, cây ăn thịt, lửa địa ngục chỉ là một trong vô số những hình ảnh trong tranh Bosch. Sự ám ảnh của Bosch với tội lỗi và trừng phạt giúp ông phát huy trí tưởng tượng của mình đến mức tối đa. LSD chưa tồn tại ở thế kỉ 15, nhưng nhìn tranh Bosch, ta không khỏi thắc mắc không biết họa sĩ có… xài loại ma túy gây ảo giác nào chăng.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Bosch mà ta sẽ phân tích trong bài này là “The Garden of Earthly Delights” (Khu vườn của những niềm lạc thú trần tục.) Chất liệu sơn dầu, năm vẽ không xác định chính xác, từ khoảng 1490-1510, bức tranh hiện nằm ở bảo tàng Museo del Brado, Madrid. Kích cỡ: 220×389 cm. (Các bạn bấm vào hình và phóng to để xem chi tiết)
The Garden of Earthly Delights” (từ nay ta sẽ gọi tắt là “The garden”)  là một bức tam bình (triptych) mô tả sự ra đời của thế giới và các hoạt động của loài người. Khi đóng hai cánh chữ nhật lại, bức tranh trông sẽ như thế này:

Đây là bộ mặt của thế giới vào ngày thứ ba khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất. Đã có cây cỏ, song chưa có động vật. Ở góc trái có một hình hài bé tí xíu – Đức Chúa Cha râu dài đội mũ Triều thiên ba tầng với cuốn Kinh thánh ở trong lòng. Ở trên có dòng chữ: “Ipse dixit, et facta sunt: ipse mandāvit, et creāta sunt” (Vì Ngài phán, thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền.) Thế giới được khắc họa trong quả cầu trong suốt giống như huyền thoại về Chúa. Viền quanh mép của thế giới là biển cả được chiếu sáng từ phía trên. Bosch sử dụng phương pháp grisaille (vẽ không màu) cho phần ngoại thất của bức tam bình, đối lập với những màu sắc rực rỡ phía trong. Một thế giới còn thiếu vắng sự sống thì cũng không thể có sắc màu.
Chi tiết Đức Chúa Cha, ở góc trái trên cùng bên ngoài

Bức tranh phía bên trái của “The garden” mô tả thế giới bước đầu bỡ ngỡ với các loài động vật mới tung tăng, và quan trọng nhất, sự kết nối của Adam của Eva:

(Bấm vào hình để xem chi tiết)
Một số loài động vật ở phía bên trái. Một số động vật nhìn khá quen thuộc, song một số rõ ràng là sản phẩm của trí tưởng tượng Bosch. Một chú vịt lai cá phía bên phải chăm chú đọc sách (Kinh thánh?)

Adam vừa tỉnh dậy từ giấc ngủ sâu và được Chúa giới thiệu với Eve. Lưu ý việc tay trái Chúa nắm lấy cổ tay Eve và ngón chân Adam chạm vào chân Chúa. Nhà mỹ thuật  Wilhelm Fraenger diễn dịch hình ảnh này như một dạng “hệ kín” gồm ba người – quyền năng của Đấng sáng tạo chảy vào thân thể của thủy tổ loài người như lễ ban thánh thể. Cây huyết dụ phía sau lưng Adam là biểu tượng cho sự sống đời đời. Phía sau Eve là con thỏ – biểu tượng cho sự mắn đẻ. Các nhà phê bình cho rằng cái nhìn ham muốn của Adam và cách Eve cúi mặt nhưng ưỡn người là dấu hiệu loài người chưa gì đã… suy đồi, chưa cần đến sự trợ giúp của con rắn.


Voi và hươu cao cổ có lẽ được Bosch lấy cảm hứng từ các cuốn truyện du ký thời đó, đơn cử như của Cyriac xứ Ancona. Góc trái, một chú kỳ lân (unicorn) hiền hòa uống nước.

Chuyển sang tấm ở giữa của “The garden”…

(Bấm vào hình để xem chi tiết)

Ôi, một sự thay đổi gần như hoàn toàn. Đây chính là khu vườn của những lạc thú trần tục đúng như tên gọi! Rõ ràng loài người đã theo gương chú thỏ mắn đẻ nhanh chóng phủ đầy thế giới và tham gia vào những hoạt động hưởng lạc. Năng lượng và sự hưng phấn cao độ trong tấm này có thể được cảm nhận mồn một. Nam nữ khỏa thân, động vật, quái vật, thậm chí hoa quả cũng sống – tất cả vui chơi tập thể một cách hồn nhiên như trẻ nhỏ, mặc dù hoạt động của các “trẻ nhỏ” này phải liệt vào dạng X-rated.  

Một số hoạt động trong tranh, các bạn nhớ bấm thẳng vào hình để xem chi tiết nhé:




Một chi tiết quan trọng dễ bị bỏ qua: người đàn ông mặc quần áo duy nhất, nằm ở góc phải bên dưới của tranh. Tay ông ta chỉ vào một người phụ nữ nằm trong… một cái ống trong suốt, miệng bị dán kín (bị bắt cóc hay bị cấm nói ra sự thực? Không ai biết.) Nhân vật nam có cái nhìn nghiêm khắc và gương mặt tập trung, đôi môi mím chặt – các nhà mỹ thuật đã mòn mỏi tranh cãi về danh tính của ông ta. Có người cho rằng đây chính là tác giả, người khác lại nghĩ rằng đây là nhà bảo trợ cho “The garden," hoặc thánh John người rửa tội, hoặc một nhà đạo đức nào đó chĩa ngón tay phê phán sự suy đồi vô độ của người phụ nữ.

Chi tiết tranh

Trên hết, cảm giác của bức tranh giữa là một trạng thái vô lo, hưởng thụ trong hòa bình, không cần biết đến ngày mai.

Thức ăn thừa thãi…

Vui chơi thả dàn…

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cảnh tượng diễn ra trong bức tranh giữa là điều lẽ ra sẽ xảy ra nếu Adam và Eve không bị đuổi khỏi vườn địa đàng – một tình huống giả tưởng. Ý kiến khác lại cho rằng đây là cảnh thiên đàng dành cho những linh hồn được cứu rỗi sau Ngày phán xét cuối cùng. Những hình ảnh kì lạ trong tấm giữa của “The garden” đủ vượt qua các tác phẩm Children’s game của Bruegel cha hay Ghent Altarpiece của Jan van Eyck về trí tưởng tượng và không-thể-giải-mã.

Tấm cuối cùng của “The garden” – Địa ngục…

(Bấm vào hình để xem chi tiết)

Địa ngục này là kết cục của những kẻ ăn chơi vô độ trong bức giữa? Hay là  số phận của những kẻ không được góp phần trong bức giữa? Một điều chắn chắn: bức Địa ngục của “The garden” xứng đáng đóng vai một bộ phim kinh dị trong thời đại Bosch. Không khó tưởng tượng cảm giác vừa thích thú vừa sợ sệt của người xem khi chiêm ngưỡng tấm bên phải – cảm giác của chúng ta khi đến thăm các bảo tàng tội phạm hoặc các ngôi nhà ma! Có thể Bosch sử dụng Địa ngục như một lời cảnh báo với loài người, hoặc để biểu hiện sự nuối tiếc khi loài người đã lạc lối khỏi thiên đường. Ánh sáng ban ngày tươi đẹp đã hoàn toàn bị dập tắt, Địa ngục chìm trong bóng đêm và lửa cháy. Hai dòng nước xanh ở hai tấm kia cũng đã bị đóng thành băng.

Vịt và người…trượt băng trên sông

Nếu trong tấm giữa loài người tung tăng trần truồng vô tư giữa thiên nhiên thì ở bức này, rất nhiều nạn nhân tìm cách che đậy thân thể lõa lồ – một cử chỉ tuyệt vọng và yếu ớt. Cảnh thành phố bị đốt cháy gợi nhớ lại câu chuyện về thành Sodom trụy lạc trong Kinh thánh.

Thành phố bốc cháy đùng đùng, người bị ném xuống từ tường thành, tuyệt vọng tìm chỗ trốn

Tiếp đến chủ đề chính của bức tranh – loài người bị tra tấn bởi các cách rất sáng tạo…


Phần này thường được gọi là Địa ngục của các nhạc sư – các nghệ sĩ âm nhạc bị tra tấn bởi chính những nhạc cụ của họ. Âm nhạc thường bị gắn liền với sự hưởng lạc và quên lãng đạo đức.

Phán quan là một con chim ăn thịt người

Động vật trả thù loài người

Một con lợn mặc áo nữ tu sàm sỡ một người đàn ông – khả năng là ông ta đã phạm tội dâm ô với giới tăng lữ

Bên cạnh hai chiếc tai bị xuyên dao và một lồng ngực bị phanh ra, là nhân vật bí ẩn Tree-man. Được vẽ với kích cỡ “vĩ đại” và cái nhìn thờ ơ có phần hoài nghi, nhiều ý kiến cho rằng Bosch đang tự họa bản thân vừa như một người quan sát, vừa tự nhấn mạnh vị trí “tối thượng” của người nghệ sĩ sáng tạo – lớn hơn cả hai Đức Chúa bé xíu.

Sau khi “The garden” được trưng bày ở House of Nassau, nó thu hút một lượng khách thăm khổng lồ và tên tuổi của Bosch nhanh chóng lan ra khắp châu Âu. Bức tranh được đặt hàng sao chép rất nhiều, thậm chí được dệt thành thảm treo tường, một dạng “quà lưu niệm” mà các du khách thường mua sau khi đi thăm bảo tàng ngày nay. Các tiếu tượng của kẻ lập dị Bosch được các nhà mỹ thuật tranh luận nhiều hơn tất cả các họa sĩ Hà Lan khác – một điều không dễ dàng gì khi chính người Hà Lan là vua của symbolism. Sự thiếu vắng thông tin về Bosch khiến nhiều người khẳng định những gì xảy ra trong tranh là những kiến thức đã bị lãng quên và Bosch là một nhà thông thái độc nhất. Song ý kiến này thường bị bác bỏ – đa phần mọi người thống nhất rằng tất cả những hình ảnh đó được sinh ra trí tưởng tượng kì ảo của họa sĩ.

Làm sao có thể diễn giải được “The garden”? Chín người mười ý, song bản thân người viết cho rằng “The garden” là một sự giễu cợt của Bosch nhắm vào tất cả các khái niệm đạo đức, địa ngục, thiên đường. Kể cả những cảnh tra tấn khủng khiếp nhất trong tấm Địa ngục cũng có một sắc thái đùa cợt, và Thiên đàng mà loài người ngưỡng vọng còn đáng mỉa mai hơn.

Mặc dù không một họa sĩ nào lặp lại được kỳ tích của Bosch với “The garden”, ảnh hưởng của nó là không cần phải bàn cãi. Các họa sĩ siêu thực như Miro, Magritte đặc biệt yêu thích “The garden” sau khi tận mắt chiêm ngưỡng nó ở Madrid, và coi Bosch là một người thầy vắng mặt. Những bức tranh của Max Earnst hay Dali đều cho thấy rất rõ ảnh hưởng của “The garden”.

The garden of earthly delights” không phải là tác phẩm duy nhất của Bosch. Nhà lập dị thiên tài Hieronymus Bosch còn những tác phẩm đồ sộ khác, mà khi nào có dịp chúng ta sẽ trở lại sau:

Ngày phán xét cuối cùng, ngày tháng không rõ

Thánh Anthony bị quyến rũ

*

No comments:

Post a Comment