Monday, April 10, 2017

Vẽ ông Rolin gặp Đức Mẹ: Jan van Eyck có “lỡm” khách hàng?

Bất cứ ai đã trót đem lòng yêu hội họa ắt phải đem lòng thần tượng một (vài) họa sĩ. Đối với tôi thì Jan van Eyck và những tác phẩm của ông mãi là một nỗi say mê và ám ảnh không dứt. Những bức tranh của ông không thể cử động như phim ảnh, cũng không có lời thuyết minh hùng hồn, nhưng lại ẩn chứa vô vàn câu chuyện hay ho. Việc giải mã những đầu mối trong tranh của ông, vì thế, hấp dẫn chẳng khác nào đi tìm kho báu. Tôi có thể dành nhiều giờ ngắm nghía những chi tiết trong tác phẩm của Jan van Eyck, rồi lại đọc những bài nghiên cứu phân tích chúng, có khi thú vị còn hơn cả tiểu thuyết trinh thám.

Tranh của Jan van Eyck đều đẹp lộng lẫy, màu sắc rực rỡ, chi tiết thì tinh xảo, sum suê như một khu vườn quý. Nếu không tin, bạn có thể xem bức Ghent Altarpiece siêu hoành tráng của ông với độ phân giải 100 tỷ pixel! Thử hỏi trên đời này có mấy tác phẩm được ưu ái săm soi kỹ đến vậy. (Tôi thừa nhận ảnh hưởng của Jackson Pollock hay Yves Klein, tất nhiên, nhưng bảo tôi ngồi thiền trước mấy bức của họ thì chắc ngủ gật mất).

Nhà phê bình hội hoạ Erwin Panofsky đã nhận xét rất chuẩn rằng đôi mắt của Jan van Eyck cùng lúc vừa như kính viễn vọng lại vừa như kính hiển vi. Nhưng Jan van Eyck nào chỉ có vậy. Ông còn có một trí não phi thường và bàn tay vẽ sơn dầu kỳ tài nữa.

Tranh tự hoạ (đoán vậy) của Jan van Eyck, 1433. Xin hãy chú ý cái mũ (không phải khăn quấn) to sụ màu đỏ trên đầu ông.

Phương pháp vẽ sơn dầu đã được Theophilus nhắc tới từ thế kỉ 12, nhưng chỉ có Jan van Eyck mới nâng nó lên một tầm cao mới, đến mức có nhiều người lầm tưởng ông đã sáng tạo ratranh sơn dầu! Đặc điểm của chất liệu sơn dầu là khô lâu hơn màu keo truyền thống. Dưới bàn tay của Jan van Eyck, những lớp sơn dầu trong suốt, mỏng dính được đắp lên nhau hoặc tỉa tót bằng đầu bút lông cực nhỏ, tạo hiệu ứng ba chiều óng ánh.

Jan van Eyck có khả năng khiến người xem cảm thấy như lạc vào thế giới trong tranh, bởi người và cảnh tượng trong tranh quá giống thật, tạo nên hiệu ứng illusionism. Sự kiên nhẫn và tài khéo của ông không khỏi làm người trần mắt thịt như tôi choáng ngợp. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Như đã nói ở trên, điều khiến cho tranh Jan van Eyck vẫn hấp dẫn chúng ta qua 6 thế kỷ chính là tính trí tuệ của chúng. Người ta bàn luận, suy đoán, tranh cãi,… về tranh ông không dứt. Tranh cũng như người, một người đẹp nhưng nông cạn làm sao quyến rũ bằng một người vừa đẹp vừa… bí ẩn, khám phá mãi không hết. (Tất nhiên đẹp vẫn là yếu tố quan trọng!)

Chi tiết ghim nạm ngọc trai trang trí trên ngực áo Chúa, bức Ghent Altarpiece. Hãy so sánh với tổng thể tác phẩm ở dưới, kích cỡ khoảng 3.5m x 4.6m).



Trong bài này, xin mời các bạn cùng chiêm ngưỡng tác phẩm The Virgin of chancellor Rolin của Jan van Eyck. (Ghent Altarpiece tôi nhắm chừng chưa đủ can đảm để bắt tay viết, bởi mỗi lần xem thôi là bị mê hoặc rồi đầu óc lùng bùng luôn). Bức họa này còn có tên là Rolin MadonnaChancellor Rolin and the Blessed Virgin, vv,… Nói chung, cứ có tên Rolin đích thị là nó.

Bức The Virgin of chancellor Rolin. (Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn)

Nicolas Rolin là một nhân vật quyền lực, giữ chức vụ chancellor (quan chưởng ấn, không phải thủ tướng như bà Angela Merkel) cho công tước Philip đệ tam xứ Burgundy. Từng bước từng bước ông trở thành cánh tay phải, là nhân vật trọng yếu thứ hai chỉ sau công tước! Nhưng xứ nào, thời nào cũng có hai loại người: có tiếng mà không có miếng – tức là có dòng dõi chức tước nhưng gia sản tuềnh toàng, và ngược lại – giàu có ức vạn nhưng chả có giọt máu quý tộc nào. Ông Rolin rơi vào loại thứ hai. Mà ở đời thiếu cái gì lại càng thèm khát cái đó tợn. Khái niệm vivre noblement – sống sao cho quý phái, ắt hẳn đã ám ảnh Rolin. Tiền của, vị trí, trí thức đều có rồi, chỉ thiếu mỗi dòng dõi thanh cao. Có điều Rolin càng cố gắng đạt được điều đó thì những người xung quanh lại càng nhìn ông với con mắt dò xét, hoài nghi. Thậm chí ngay cả khi Rolin thành lập bệnh viện cứu tế cho người nghèo, ông vẫn bị mai mỉa là “hút máu chán rồi ra vẻ từ thiện.” Những yếu tố này là điều kiện quan trọng giúp ta hiểu kỹ hơn về tác phẩm Rolin Madonna.

Chancellor Rolin (dưới cùng, bên trái), vẽ trên cánh cửa ngoài bức tranh trang trí sau bàn thờ bệnh viện Hospices de Beaune dành cho người nghèo do chính ông thành lập. Vợ của Rolin là người đàn bà quỳ bên phải. Tác phẩm này của họa sĩ nổi tiếng Rogier van der Weyden, vẽ từ khoảng 1445-1450, được chính Rolin đặt hàng cho bênh viện. Giống như giới quý tộc, Rolin cũng muốn lưu lại dấu ấn của mình trong lịch sử qua kênh nghệ thuật. Bị xì xào là háo danh, nhưng rõ ràng là Rolin đã thành công, chủ yếu nhờ biết “chọn mặt gửi vàng,” đặt hàng toàn các họa sĩ có tài vẽ mình.

Trong bức Rolin Madonna, Rolin cũng quỳ bên trái, chắp tay hướng về Đức mẹ. Trang phục của ông viền lông chồn và thêu chỉ vàng rất xa hoa. Ông tựa trên một chiếc prie-dieu (một dạng bàn nhỏ dùng lúc cầu nguyện) bọc nhung tím – màu của mùa lễ Chay (Lent) nhưng cũng là màu của hoàng gia, lại càng làm rõ sự “bon chen” của ông Rolin… Quyển sách trước mặt ông là một cuốn Book of Hours – một dạng sách tụng kinh dành cho giới giàu có. Thuở xưa sách vở đắt đỏ, bởi chưa có ngành in, từng cuốn đều phải làm bằng tay, lại thêm chả mấy người biết chữ. Book of Hours của giới quý tộc nhiều khi được dát vàng và có hình minh họa đẹp đẽ, là những tác phẩm nghệ thuật giá trị, nổi tiếng nhất là cuốn của Công tước John xứ Berry. Cuốn Book of Hours của Rolin mở đến phần chữ D, bắt đầu như sau: “Domine, labia mea aperies…” (Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con và cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.)

Dưới tay trái của ông Rolin có thể thấy ba chú công đang đi đi lại lại. Con công là biểu tượng của sự bất tử (người xưa tin rằng sau khi chết thịt công không bị thối rữa, ) nhưng cũng tượng trưng cho sự ngạo mạn. Phải chăng Jan van Eyck cố tình lỡm khách hàng?

Phía sau ông Rolin, nhìn ra xa xa, có thể thấy phong cảnh thật bình yên: nhà cửa nhấp nhô, một tháp chuông nhỏ đại diện cho sự sùng đạo, và những ruộng nho trải dài tít tắp trên những ngọn đồi. Có  người cho rằng đây chính là Autun, quê hương của ông Rolin. Có người cho rằng quang cảnh này nói lên gia sản giàu có ức vạn của ông ta. Nhưng đại đa số các nhà phê bình đều cho rằng: Jan van Eyck không vẽ bất kỳ cảnh tượng cụ thể nào mà đã tạo ra một thế giới “synthetic” – tổng hợp từ những yếu tố cả thực lẫn biểu tượng nhằm khắc hoạ tính trần tục của Rolin, khi đối lập với Đức Mẹ, mà ta sẽ phân tích ở dưới.

Chi tiết trang trí trên cột

 Trên những cây cột phía trên đầu ông Rolin là những câu chuyện trong Cựu Ước, bao gồm:

– Adam và Eve bị đuổi khỏi thiên đường (tội dâm dục)

– Cain và Abel cùng dâng đồ thờ lên Chúa, nhưng Chúa chỉ nhận lòng thành của Abel (tội tham lam, và tội ghen ghét đố kỵ)

– Abel bị Cain giết chết (tội giận dữ)

– Noah trong con tàu cứu nạn (đủ mọi tội khiến Chúa chán ghét đổ nước lũ dìm chết hết loài người.)

– Noah say rượu cởi áo nằm trần trụi, được con trai che đậy (tội ham mê ăn uống)

Còn hai tội nữa cấu thành Bảy mối tội đầu (Seven deadly sins) nằm ở đâu? Tội kiêu ngạo chính là mấy con công đó. Còn tội lười biếng thì nằm ở đây:


Ơ hay, hai ông kia là ai mà đi đi lại lại thảnh thơi, ngắm trời ngắm đất thế kia? Xin thưa, chính là Jan van Eyck tự vẽ mình và một người phò tá đó. Nếu để ý đến cái mũ đỏ to to kia, và đối chiếu với bức tranh tự hoạ lúc đầu của ông họa sĩ là nhận ra ngay. Jan van Eyck cũng có cái tôi to bằng trời, ông rất thích tự nhét mình vào trong tranh, ví dụ như bức Arnolfini Wedding, và thích viết lách kiểu chơi chữ trên khung tranh. Vì thế có thể cho rằng Jan van Eyck đã tự giễu mình (hai tội kiêu ngạo, lười biếng) cho đủ bảy tội. Nhưng nếu lưu ý ta sẽ thấy tất cả mớ tội lỗi này đều chỉ nằm bên phía ông Rolin, tức là phía con người! Bên phải lại là một câu chuyện khác.

Trong tranh, Đức Mẹ mặc chiếc áo choàng đỏ lộng lẫy (ba màu chủ đạo của Đức Mẹ là đỏ, trắng, lam.) Trên áo có thêu chỉ vàng những dòng kinh ca tụng công Sáng thế của Chúa trời. Trên lòng bà là đức Chúa hài đồng ngồi, gương mặt nghiêm nghị.

Chi tiết tranh

Nếu để ý, có thể thấy dưới… mông đức Chúa là một tấm vải trắng nhỏ báo trước tấm vải liệm xác Chúa sau này. Đôi mắt Đức Mẹ sầu thương nhìn xuống cây thập giá gắn trên quả cầu đức Chúa cầm trong tay – người đã nhìn thấy trước tương lai con trai mình bị đóng đinh câu rút. Quả cầu pha lê trong tay Chúa hài đồng vừa biểu trưng cho trái đất, ca tụng công Sáng thế, vừa kín đáo ám chỉ sự trong sạch, thanh khiết của Đức Mẹ sinh ra ngài. Jan van Eyck đã phóng đại tỷ lệ cơ thể Đức Mẹ khiến bà hiện ra thật uy nghi như một… quả núi nhỏ.

Chi tiết tranh

Thiên thần mang vương miện đến đội cho Đức Mẹ

Những viên ngọc trai tuyệt đẹp gắn trên áo Đức Mẹ

Motif Chúa hài đồng nghiêm trang ngồi trên lòng Đức Mẹ vững chãi được gọi là “Throne of Wisdom“ (Ngai toà khôn ngoan,) cũng là một tước hiệu dành cho Đức Mẹ. Trong Cơ đốc giáo, hình ảnh nhà thờ và Đức Mẹ thường gắn liền với nhau, và sự kết hợp này không phải ngẫu nhiên. Khôn ngoan và minh mẫn, Đức Mẹ đóng vai trò như chiếc ngai của Đức Chúa, cũng như Nhà thờ là chỗ ngồi của đạo Thiên Chúa.

Một tác phẩm điêu khắc cùng theo motif Ngai tòa khôn ngoan

Dưới chân Chúa hài đồng, có thể thấy một khu vườn hoa nho nhỏ. Đây lại là motif khác “hortus conclusus” – ngôi vườn đóng kín, biểu trưng cho sự trinh tiết nguyên vẹn của Đức Mẹ. Trong vườn là những loài hoa tiêu biểu cho người: hoa lily là sự trong trắng, hoa mẫu đơn đến từ phương Đông đại diện cho Thiên Đường, hoa hồng đỏ máu và lan diên vỹ với những cành sắc lẹm – nỗi thống khổ của Đức Mẹ, cúc trắng là sự ngây thơ.

Những loài hoa trong khu vườn

Đằng sau Đức Mẹ là một cảnh tượng hoành tráng: những tòa tháp cao vút, những nhà thờ lộng lẫy, tất cả tắm trong một thứ ánh sáng kì diệu như toả ra từ bên trong. Cũng như phong cảnh bên phía ông Rolin, thành phố này chỉ tồn tại trong tranh. Nó có thể là một biểu hiện ước lệ của toà thánh La Mã, hoặc chính là miền đất hứa Jerusalem. Điều không thể phủ nhận là tính thần thánh của nó, đối lập với tính tầm thường của phong cảnh bên phía ông Rolin. Hai thế giới đó bị ngăn cách bởi một dòng sông, nhưng lại có một cây cầu bắc qua, và trên cây cầu có thể thấy những người đi lại tấp nập như đàn kiến. Điều đó chứng tỏ Jan van Eyck cố tình để cho hai thế giới có sự trao đổi, liên lạc. Và ngón tay của đức Chúa hài đồng khi giơ lên vừa ban phước cho ông Rolin, vừa đúng chạm vào cây cầu nối hai thế giới. (khi chiếu tia hồng ngoại ta thấy lúc đầu Jan van Eyck để ngài chỉ tay xuống đất thay vì như trong tranh.) Đức Chúa một nửa là con người, một nửa là thần thánh, thân là con của Chúa cha nhưng lại giáng xuống trần để cứu chuộc nhân loại – ngài chính là cây cầu nối giữa Thiên đàng và hạ giới.


Trong tranh, ông Rolin thay vì quỳ dưới chân Đức mẹ thì lại gần như ngang hàng… Đây là điều khiến những người cùng thời với ông Rolin không thể nào chấp nhận được, còn hơn cả thường dân mà dám sánh vai cùng hoàng gia ấy chứ! Nhưng nếu nhìn kỹ, hình như “thấy vậy mà không phải vậy.” Jan van Eyck vẽ ông Rolin to lớn dềnh dàng, lại có vẻ đối xứng với Đức Mẹ, thật là đẹp lòng ông ta, nhưng họa sĩ đã kín đáo bộc lộ sự bất bình đẳng qua nhiều chi tiết nhỏ. Thứ nhất, hãy nhìn những viên gạch lát sàn. Giữa Đức mẹ và ông Rolin là một hàng gạch thẳng tắp, không ai phạm vào “lãnh địa” của ai. Ông Rolin có thể rất hoành tráng ở dưới trần, nhưng vĩnh viễn không thể phạm thượng, lấn vào phạm vi của Đức Mẹ.

Chi tiết hàng gạch

Nếu phân tích kĩ hơn, ta sẽ thấy những nhân vật ở bên “thần thánh” đều đang cử động, nhưng lại có một vẻ tĩnh lặng, thiêng liêng. Ông Rolin thì quỳ gối cầu nguyện, tưởng chừng im ắng, nhưng lại “động” – trí não ông ta đang tập trung cao độ. Đức Mẹ to lớn, uy nghi nhưng lại nhẹ tựa lông hồng, thiên thần bay trên đầu bà càng khiến cho Đức Mẹ như lơ lửng giữa không trung. Ông Rolin thì đúng là xác phàm nặng như núi Thái. Và họ tuy ở cùng một căn phòng đấy, nhưng lại không hề nhìn nhau. Thiên thần nhìn Đức Mẹ, Đức Mẹ nhìn con trai, Đức Chúa nhìn vào thinh không. Ông Rolin nhìn về phía ánh sáng, chứ mắt ông cũng không tập trung vào gương mặt Đức Mẹ. Ở đây có hai khả năng:

– Ông Rolin và Đức Mẹ tuy rất gần nhưng thực ra lại rất xa – họ ở hai chiều không gian hoàn toàn khác nhau. Đức Mẹ chỉ tồn tại trong thế giới tâm linh của ông Rolin chứ không hề xuất hiện trong phòng.

– Đức Mẹ đã hiện ra đột ngột trong giây phút ông Rolin cầu nguyện. Đó là một giây phút xuất thần (ecstasy) khi người phàm được hiện diện Đức Chúa hoặc Đức Mẹ, điều chỉ xảy ra khi thật thành tâm. Đây được coi là một niềm hạnh phúc tột cùng của các con chiên ngoan đạo – được tách khỏi thế giới tầm thường, nâng tâm hồn lên kết hợp cùng Thiên Chúa.

Chi tiết bức tranh

Panofsky đã có những bình luận rất xác đáng về hai thế giới trong bức tranh này, có thể nói ông là người có ảnh hưởng nhất đến quá trình phân tích, tìm hiểu tranh Jan van Eyck. Ông cũng dành cho Rolin những lời bình luận không mấy thiện cảm, cho rằng ông thành lập nên bệnh viện cứu tế chẳng qua vì mặc cảm tội lỗi, ngoài ra còn tự tiện ngồi cạnh Đức Mẹ mà chưa được một vị thánh bảo trợ. Nhưng dù Rolin có ý định đó thật không (khả năng nhiều là có) thì bút pháp của Jan van Eyck cũng khéo léo phân chia rạch ròi hai thế giới, đặt người nào ở đúng chỗ của nó.

*

No comments:

Post a Comment