Monday, April 10, 2017

Xem phim để học về hội họa: những cuộc đời như… phim

Theo lý thuyết về nghệ thuật của Hegel, năm dạng nghệ thuật chủ chốt xếp theo thứ tự là: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ ca. Sau này, Ricciotto Canudo liệt kê thêm khiêu vũ – nghệ thuật thứ sáu, và điện ảnh – nghệ thuật thứ bảy. Tuy sinh sau đẻ muộn, điện ảnh có sức phát triển thần tốc nhất trong tất cả. Ngoài ra, điện ảnh cũng không ngừng kết hợp những yếu tố nghệ thuật khác vào dòng chảy của mình, rõ ràng nhất chính là âm nhạc, chẳng thế mà những giải thưởng điện ảnh danh giá có hẳn hạng mục đề cử nhạc nền riêng. Ở bài này, chúng ta thử khám phá một số bộ phim (hay) có yếu tố hội họa.

Dạng thứ nhất là những bộ phim mang tính chất “học thuật” về tiểu sử, cuộc đời của những họa sĩ nổi tiếng (không tính phim tài liệu như series truyền hình The private life of a masterpiece của BBC – chủ đề cho một bài khác.) Những bộ phim dạng này thường có lượng fan khá bé nhỏ, cũng khó cạnh tranh ngoài rạp với các phim bom tấn khác, nhưng lại được ưu ái trong giới… mọt sách. Để kích thích hứng thú của sinh viên đối với lịch sử hội họa, các giảng viên rất nên dự trữ và cập nhật những bộ phim theo chủ đề này – việc nhìn thấy những họa sĩ từ thời xa xăm sống dậy trên màn ảnh và mang gương mặt những diễn viên nổi tiếng sẽ giúp ích không nhỏ cho những bài giảng bớt khô khan và khó nhớ.

Một số bộ phim tiêu biểu:

Frida (2002)

Poster phim Frida. Ngay cả nếu không có tựa đề, cũng không thể lẫn đi đâu đôi lông mày kinh điển của nữ họa sĩ.

Kể về cuộc đời bi kịch của nữ họa sĩ Frida Kahlo, vợ của họa sĩ-nhà cách mạng Diego Rivera. Bà bị tai nạn từ lúc còn rất trẻ và sống cuộc đời nhiều đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác. Hội họa của bà mang tính cá nhân cực điểm (hầu hết là tranh chân dung tự họa,) đẹp một cách ám ảnh, và rất… Nam Mỹ. Nữ diễn viên bốc lửa Salma Hayek đóng vai Frida, ngoài ra còn có hai trai đẹp Antonio Banderas và Edward Norton.


Cô gái đeo hoa tai ngọc trai – Girl with a pearl earring (2003)


Poster phim Girl with a pearl earring. Nếu zoom in thật kĩ, có thể nhận thấy hai nhân vật đã được xử lý để hóa từ ảnh chụp thành tranh vẽ. Viên ngọc trai baroque nổi bật nhưng vẫn… chưa bì lại được ánh mắt của Scarlett.

Phim thuật lại sự ra đời của bức tranh nổi tiếng Girl with a pearl earring do danh họa Vermeer vẽ vào năm 1665. Dựa trên một cuốn tiểu thuyết hư cấu, bộ phim xoay quanh chuyện tình khá sến của họa sĩ và cô người hầu kiêm người mẫu tại gia (do Scarlett Johansson đóng.) Góc quay và ánh sáng của phim tái hiện hoàn hảo tinh thần trong những bức tranh của Vermeer, thậm chí có thể nói cả bộ phim là một cuộc triển lãm cho phong cách Hà Lan của họa sĩ. Scarlett Johansson được đề cử giải Quả cầu vàng với vai diễn này.


Vincent and Theo (1990)


Poster phim Vincent và Theo

Bộ phim xoáy vào mối quan hệ đặc biệt giữa Vincent Van Gogh và em trai Theo. Những bức thư của Vincent gửi cho Theo là nguồn tư liệu quý giá cho những học giả nghiên cứu về tranh Van Gogh, và cũng là cơ sở quan trọng cho bộ phim này. Tim Roth có một màn trình diễn xuất sắc với vai Van Gogh. Ba phút đầu tiên của bộ phim là cảnh đám nhà giàu kiêu kỳ chen vai thích cách trong phiên đấu giá tranh Van Gogh ở thời hiện tại, rồi mờ đi và hiện ra Vincent sống nghèo khổ cùng cực trong quá khứ. Bộ phim dấy lên nhiều câu hỏi về giá trị/giá cả của nghệ thuật và cũng là là một tác phẩm cảm động về tình anh em. Film nằm trong danh sách phải xem của những người yêu tranh Van Gogh. Đặc biệt cảnh Vincent vẽ tranh giữa cánh đồng hoa hướng dương là một trích đoạn tuyệt đẹp và đáng nhớ.

Artemisia (1997)

Poster phim Artemisia. Dựa trên tranh tự họa còn lại của bà. Có thể thấy nữ diễn viên chính được chọn có hình dáng thon thả hơn cho phù hợp với tiêu chí cái đẹp hiện đại.

Artemisia Gentileschi là một nữ họa sĩ Baroque đặc biệt. Bị cưỡng hiếp bởi chính thầy giáo dậy vẽ, bà không sợ hãi thu mình mà quyết tâm hướng nỗi đau vào hội họa. Ở một thời điểm mà các nữ họa sĩ không được coi trọng thật sự, bà khẳng định tài năng bằng việc khắc họa những người phụ nữ mạnh mẽ, có khả năng trả thù những người đàn ông làm hại mình, tiêu biểu là bức Judith chặt đầu Holofornes. Có thể coi Artemisia là nữ họa sĩ theo chủ nghĩ bình quyền đầu tiên của Ý. Bộ phim, tuy vậy, lại biến vụ cưỡng hiếp thành một cuộc mây mưa đồng thuận, có tình yêu và dẫn dắt theo hướng… sexy thế đó, phần nào làm hỏng toàn bộ ý nghĩa sự nghiệp của Artemisia. Nhưng nếu không quá khắt khe về sự thật lịch sử thì…

Ngoài ba bộ phim kể trên, còn có một số bộ phim khác như Goya’s Ghosts (về Goya, với Natalie Portman,) Surviving Picasso (về… Picasso, với Anthony Hopkins,) Klimt (với John Malkovich,) Pollock ( có Val Kilmer thủ vai de Kooning,) Lust for Life (về Gauguin.)
*
Vậy là chúng ta đã đi qua những bộ phim mang tính chất “học thuật” về tiểu sử, cuộc đời của những họa sĩ nổi tiếng. Dạng thứ hai, là những bộ phim sử dụng hội họa như một cái nền, một phương tiện để truyền tải ý tưởng của nhân vật, hoặc một thiết bị để đẩy bộ phim thêm phần kịch tích. Người xem có thể vừa học được những bài học nho nhỏ về hội họa, vừa tận hưởng những pha hành động hoặc lãng mạn mà không cảm thấy như đang ngồi trong phòng học.

Một số ví dụ:


Mật mã Da Vinci – Da Vinci Code (2006)


Poster phim “The Da Vinci Code”

Bất chấp các giáo sư râu dài có than vãn quyết liệt thế nào về vấn đề bóp méo lịch sử, với dàn diễn viên gồm Tom Hanks, Audrey Tautou, Jean Reno, bộ phim vẫn thu về 758 triệu đô la ngon ơ từ tiền bán vé và đĩa.

Louvre, Paris, London, Leonardo de Vinci – cộng thêm rất nhiều cuộc rượt đuổi, cơ man .l máu, và một tên bạch tạng đáng sợ, đủ để khiến người xem phải hồi hộp suốt từ đầu đến cuối. Phim bị cấm ở nhiều nước, thậm chí Vatican kêu gọi tẩy chay (tất nhiên chỉ khiến cho phim càng ăn khách hơn). Điều mắc míu của tác giả bài này với phim chủ yếu nằm ở… tên gọi. Tên chúng ta hay gọi cụ Leonardo da Vinci có nghĩa: Leonardo đến từ Vinci, chứ da Vinci không phải họ của cụ. Chẳng khác nào một tác phẩm lấy cảm hứng từ truyện Balzac mà được đặt tên là… mật mã Paris vậy.

Vụ Thomas Crown – The Thomas Crowne Affair (1999)

Poster phim A Thomas Crown Affair. Thật tiếc là bức The Son of Man của Magritte tuy xuất hiện trong phim rất nhiều nhưng lại không có mặt trên poster phim.

Được làm lại từ tác phẩm cùng tên năm 1968, bộ phim này hút khách hơn nhiều, chủ yếu nhờ có Pierce Brosnan – 007 đẹp trai đóng vai nam chính, một tên trộm tranh siêu cấp vừa tài ba vừa lãng tử.

Bức tranh San Giorgio Maggiore lúc bình minh của Monet là trung tâm của trò mèo đuổi chuột giữa Thomas Crown và nữ điều tra viên Banning. Trong phim còn có nhiều tác phẩm khác của Monet, Manet, Van Gogh, và Magritte. Phim hài tình cảm thêm chút hồi hộp rất thích hợp để các cặp đôi cùng xem (không có cặp thì càng nên xem để được ngắm Pierce Brosnan khi tóc anh còn chưa bạc.)

Nụ cười nàng Mona Lisa – Mona Lisa Smile (2003)
  
Poster phim Mona Lisa Smile. Bốn người phụ nữ: cô giáo và ba học sinh đang ngắm nhìn bức tranh của Pollock. Có điều do photoshop hơi quá tay chăng mà Julia Roberts nhìn không già hơn các nữ sinh viên tẹo nào.

Không phải nụ cười nàng Mona Lisa mà là nụ cười của Julia Robert mới làm nên bộ phim (khó mà không cười tươi được khi được trả 25 triệu đô la để đóng phim.)

Julia đóng cô giáo dạy môn lịch sử nghệ thuật ở trường đại học nữ Wellesley, với một dàn sinh viên gồm Kirsten Dunst, Julie Stiles, Maggie Gyllenhaal. Từ đầu đến cuối phim, người xem được học từ những bức họa vẽ trong hang đến tranh của Pollock. Những vấn đề mà những nữ sinh viên thập niên 50 phải đối diện không xa lạ mấy với phụ nữ hiện nay: hôn nhân/sự nghiệp, quyền tránh thai, ngoại tình và bị ngoại tình, v.v…


Bean (1997)


.
Đúng như tên gọi, đây là một bộ phim về Mr. Bean, chính xác hơn là thảm họa mà Mr. Bean gây ra với bức tranh Whistler’s Mother của James Whistler. Được giao nhiệm vụ trả lại bức tranh về Hoa Kỳ,  Mr. Bean gây ra tai họa không thể cứu vãn và tìm mọi cách để thoát trách nhiệm. Đoạn video sau là cảnh Mr. Bean “tàn phá” bức tranh theo phong cách ngớ ngẩn đặc trưng… Bean.
*
Ngoài ra còn một số bộ phim tương tự đáng xem: Headhunter (phim hành động Na Uy đặc sắc, tranh Rubens,) Stendahl Syndrome (phim về một nữ thám tử bị… lên cơn mỗi khi gặp những tác phẩm xuất chúng, tranh Botticelli,) A Good Thief (rất nhiều tranh Picasso, Gauguins, Van Gogh,…),

Cuối cùng trong bài là những bộ phim mà hội họa không đóng vai trò chủ chốt mà chỉ lấp la lấp ló tô điểm cho cuộc sống của các nhân vật thêm đầy đặn phong phú. Ví dụ như trong phim Titanic, nàng Rose tỏ ra sớm có con mắt tinh đời khi sưu tập bức “Les Demoiselles d’Avignon” của Picasso và mấy bức tranh hoa súng của Monet…

Trong “Titanic”

… hay trong Six Degrees of Separation, Will Smith tìm cách len lỏi vào cuộc sống của một cặp vợ chồng già giàu có, những người có đủ tiền để treo tranh của Kandinsky trong nhà…

Trong “Six Degrees of Separation”

… Children of Men (2006), với Guernica của Picasso và David của Michelangelo

Trong “Children of Men”

… hoặc A good year (tượng Rodin,) The object of beauty (tượng Moore.) Mặc dù vai trò của nghệ thuật kiểu này chủ yếu để diễn tả sự giàu có/tinh tế của nhân vật, chúng giúp người xem cảm nhận được nỗ lực của các nhà làm phim trong việc tạo ra một tổng thể hài hòa đến từng chi tiết cho tác phẩm của mình.

*
Còn rất nhiều bộ phim với chủ đề nghệ thuật hoặc có miêu tả nghệ thuật mà khuôn khổ khiêm tốn của bài viết không thể bao quát hết. Những bộ phim hay và những tác phẩm nghệ thuật để đời, khi kết hợp với nhau lại càng làm cho sự cảm nhận được cộng hưởng gấp bội. Người viết bài này chỉ có ước muốn nhỏ bé là một ngày nào đó, một bộ phim sẽ được làm về cuộc đời chìm nổi của bức Thiếu nữ bên hoa huệ - đại diện tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam thế kỉ 20 mà giờ này không biết trôi dạt ở đâu.

*

No comments:

Post a Comment