Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: Giả Thuỵ - tấm gương mê gái chết cũng nên soi

Nhân vật Giả Thụy, tên chữ Giả Thiên Tường, là một trường hợp tương đối đặc biệt của Hồng Lâu Mộng. Y xuất hiện ở hồi thứ chín, đến hồi thứ mười hai đã qua đời đột ngột theo kiểu “sét đánh không kịp bưng tai.” Cuộc đời – cái chết Giả Thụy tuy chỉ gói gọn trong vài chương ngắn ngủi nhưng diễn biến hấp dẫn, tình tiết ly kỳ, lại có nhiều ý nghĩa sâu xa khó nói hết, hoàn toàn xứng đáng dựng thành một vở bi hài kịch riêng. Câu chuyện gió trăng của Giả Thụy khiến tôi liên tưởng nhiều đến những tác phẩm của Shakespeare như The Comedy of Errors hay Love’s Labour’s Lost.

Tranh vẽ Giả Thụy

Giả Thụy là cháu nội Giả Đại Nho, thuộc một chi tương đối nghèo của họ Giả. Y đóng vai trò trông nom trường học của dòng họ, trách nhiệm không phải nhỏ. Nhưng dưới sự cai quản của y, nơi này trở thành chỗ yêu đương đồng giới của bọn học sinh, chữ nghĩa thánh hiền thảy đều bị thổi bay đi đâu mất cả. Trong truyện đã giới thiệu về Giả Thụy rõ ràng:

Giả Thụy vốn người không đứng đắn, chỉ thích lợi, khi ở trong trường hắn thường hay mượn việc công làm việc tư, hạch sách đám học trò phải mời hắn ăn uống. Hắn vào hùa với Tiết Bàn, mong kiếm tiền, kiếm rượu, nên tha hồ để mặc cho Tiết Bàn ngông nghênh làm càn, không những hắn không ngăn cấm mà còn nối giáo cho giặc để lấy lòng Tiết Bàn.

Hồng Lâu Mộng có nhiều cung bậc của tình: có tình trong sáng, tình tri kỷ, cũng có tình dâm ô và nhơ bẩn. Nói thẳng ra là Giả Thụy đã biến trường học thành ổ giai bao cho họ Tiết, bản thân y lãnh nhiệm vụ ma cô dắt khách. Khổ nỗi anh chàng Tiết Bàn là kẻ không đứng đắn, có mới nới cũ, chán chê với Kim Vinh lại chuyển sang hai nam sinh Hương Lân và Ngọc Ái. Về sau y cũng hết yêu hai cậu này, thế là Giả Thụy trở nên “bơ vơ không nơi nương tựa.” Tiết Bàn chính là kẻ thô tục bậc nhất trong Hồng Lâu Mộng, y một thân hào phú nhưng bị con lợn lòng hoàn toàn chi phối. Giả Thụy dính dáng với Tiết Bàn là đủ biết y thuộc hạng người nào. Kết cục của Giả Thụy khó mà tốt đẹp được.

Thế nhưng cuộc đời Giả Thụy chỉ hoàn toàn xoay chuyển khi y gặp phải Phượng Thư. Quả đúng là… người đâu gặp gỡ làm chi.

[…] rồi dẫn bọn người hầu và người nhà phủ Ninh ra quanh cửa đi tắt vào vườn hoa, nhìn thấy:
Hoa vàng giải đất, liễu trắng quanh bờ. Suối Nhược Gia cầu nhỏ bắc qua; núi Thiên Thai đường con rẽ tới. Khe đá dòng trong róc rách, hàng giậu đều thơm; trên cây lá đỏ rập rờn, rừng thưa như vẽ. Gió tây thổi mạnh, oanh còn thỏ thẻ bên tai; ngày ấm vui dồn, dế cũng rì rầm nói chuyện. Kìa phía đông nam, mấy tòa lầu nhấp nhô dựa núi; nọ nơi Tây bắc, ba gian hiên thấp thoáng kề sông. Vang tiếng phách sênh, tình riêng khôn tả; chen màu là lụa, cảnh đẹp nên thơ.
Phượng Thư đi thong thả xem cảnh trong vườn. Đương lúc ngắm nghía, chợt thấy một người ở sau núi giả chạy ra, đứng trước mặt, nói:
– Xin chào chị!
Phượng Thư giật mình, lùi lại hỏi:
– Có phải chú Thụy đấy không?
Giả Thụy nói:
– Chị không nhận ra tôi à?
– Không phải tôi không nhận ra, đương lúc bất thình lình không ngờ chú lại ở đây.
Giả Thụy nói:
– Có lẽ tôi với chị có duyên hay sao? Tôi vừa ở trong tiệc lẻn ra, đến chỗ thanh vắng này cho khoan khoái một tí, không ngờ lại gặp chị. Thế chẳng phải có duyên là gì.
Vừa nói, mắt hắn vừa chòng chọc nhìn Phượng Thư.

Lần đầu Giả Thụy gặp Phượng Thư

Đoạn trên rất hay, có thể nói Tào Tuyết Cần đã vận dụng biện pháp “foreshadowing” (báo trước) một cách tuyệt diệu. Về thời điểm, cảnh này diễn ra sau khi Phượng Thư thăm nom Tần thị, nàng dâu lẳng lơ dưới trần kiêm “người tình nhân thứ nhất” ở cõi tiên (hồi một trăm mười một), nên không khỏi dính dáng tới chuyện mây mưa. Sân khấu diễn ra tấn trò lại chính là vườn hoa của Ninh quốc phủ, một nơi đầy chuyện tục khí, mờ ám, đến mức Liễu Tương Liên từng nhận xét hoạ may chỉ có hai con sư tử đá bên ngoài là còn sạch! Những địa danh được nhắc đến trong cảnh cũng có ý tứ nhạo báng: suối Nhược Gia là nơi Tây Thi giặt lụa gặp Phạm Lãi, núi Thiên Thai là nơi Nguyễn Triệu diện kiến tiên nữ. Thế nhưng Phượng Thư bụng dạ độc ác, ăn nói chua cay không xứng với danh hiệu mỹ nhân, còn Giả Thuỵ lại càng không phải anh hùng cái thế hay tài tử phong nhã. Cuộc tao ngộ này chỉ là kẻ cắp bà già gặp nhau mà thôi.

Phượng Thư là người thông minh, thấy dáng bộ ấy đã đoán được tám chín phần, liền nhìn Giả Thụy, giả cách mỉm cười, nói:
– Không trách anh chú thường nhắc đến chú luôn, bảo chú tốt lắm. Nay được gặp, nghe nói mấy câu, biết ngay chú là người thông minh hòa nhã. Bây giờ tôi phải đến chỗ các bà, không tiện nói chuyện. Lúc nào rỗi, chúng ta lại sẽ gặp nhau.
Giả Thụy nói:
– Tôi muốn đến thăm chị, nhưng sợ chị trẻ tuổi không chịu tiếp khách dễ dàng.
Phượng Thư lại giả cách cười nói:
– Chỗ anh em ruột thịt trong nhà, sao lại nói trẻ tuổi với không trẻ tuổi?
Giả Thụy nghe thế, trong bụng mừng thầm: “Không ngờ hôm nay lại có cuộc gặp gỡ lạ lùng thế này!” Tình cảnh ấy càng làm cho Giả Thụy ngẩn ngơ ngơ ngẩn. Phượng Thư lại nói:
– Thôi, chú vào tiệc ngay đi. Coi chừng họ lại bắt uống phạt đấy!
Giả Thụy nghe xong, tê tái cả người, đi chầm chậm rồi cứ quay đầu lại nhìn. Phượng Thư cố ý đi thong thả. Thấy hắn đi xa rồi, trong bụng nghĩ: “Thế mới là: Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao? Đâu lại có hạng người chó má như thế! Nếu vậy có lúc nó phải chết với ta cho nó biết tay!”

Hai người từ biệt nhau

Vậy là kết thúc hồi mười một “Gặp Hy Phượng, Giả Thuỵ động lòng dâm dục”. Khi Tào Tuyết Cần nói về sự thức tỉnh tình dục (sexual awakening) của Bảo Ngọc, ông dùng những cụm từ hết sức tinh tế, ý nhị “mộng kín,” “tình ngây.” Còn đối với Giả Thụy, tác giả gọi thẳng bản chất sự thôi thúc trong y – sự khao khát phần con chứ không phải phần người. Đoạn sau không cần nói rõ. Giả Thụy lần mò đến gặp Phượng Thư, say sưa mê mẩn, rạo rực sàm sỡ. Phượng Thư khéo léo cầm chừng, lại hẹn y một nơi vắng vẻ buổi đêm. Vở kịch bắt đầu đến hồi gay cấn. Giả Thụy đi gặp gái ra sao?

Giả Thụy nghe nói, mừng quá, vội cáo từ, trong bụng chắc mẩm. Chờ đến chiều tối, hắn mò sang phủ Vinh. Đương lúc sắp đóng của, hắn lẻn vào cái nhà trống, quả thấy tối om, chẳng có người nào đi lại. Cửa sang bên nhà Giả mẫu đã khóa rồi, chỉ còn cửa phía đông chưa đóng. Giả Thụy lắng nghe giờ lâu chẳng thấy ai đến. Chợt nghe tiếng lách cách, cửa phía đông cũng đóng nốt. Giả Thụy sốt ruột, nhưng không dám lên tiếng, khe khẽ lần đến đẩy mấy cái, thấy cửa đóng chặt như thùng sắt. Bấy giờ hắn muốn ra cũng không được. Phía nam, phía bắc đều là tường cao, muốn trèo cũng không có chỗ vịn. Chỗ ấy lại là nơi gió lùa, chung quanh trống hốc. Trời tháng chạp đêm dài, gió bấc thổi hun hút, rét buốt đến xương, ai đứng đó một đêm có thể chết cứng được. Chờ mãi đến mờ sáng, thấy một bà già mở cửa phía đông, rồi sang gọi cửa phía tây. Lúc bà già ngoảnh mặt đi, hắn liền cắm đầu cắm cổ chạy biến mất. May trời còn sớm, chưa ai dậy, hắn lẻn ra cửa sau chạy một mạch về nhà.

Giả Thụy bị Phượng Thư cho “leo cây”

Chuyến này Giả Thụy không những không được thoả nguyện mà còn bị ông nội “đánh ba bốn chục roi thật đau, lại không cho ăn cơm, bắt phải quỳ học bù mười buổi mới tha. Giả Thụy bị rét một đêm, lại bị một trận đòn đau, phải nhịn đói, quỳ ở dưới đất mà học, khổ sở muôn phần”.

Đây là trở ngại đầu tiên của Giả Thụy: bị lừa dối, bị lạnh nhạt, và bị trừng phạt về thể xác.

Giả Đại Nho chửi mắng Giả Thụy

Lần thứ hai, Phượng Thư tiếp tục bày cuộc tương tư. Giả Thụy thì say mê sắc đẹp đến mức mất cả lý trí:

Nhưng lòng tà vẫn chưa chịu bỏ, Giả Thụy vẫn chưa biết mưu chước của Phượng Thư. Qua vài ngày được lúc rỗi, hắn lại tìm đến. Phượng Thư làm ra bộ trách móc sai hẹn. Giả Thụy vội vàng thề ngay. Phượng Thư thấy hắn tự đâm đầu vào tròng, lại bày mẹo khác để cho hắn tỉnh ngộ. Bèn giả cách hẹn:
– Tối hôm nay đừng đến chỗ cũ nữa, cứ đến chờ ở cái gian nhà bỏ không, có đường rẽ sang buồng tôi, đừng có lầm đấy!
– Thực thế chứ?
– Không tin thì đừng đến!
– Thế nào cũng đến, nhất định đến, dù chết cũng đến. 
– Bây giờ hãy về đi. 
Giả Thụy chắc mẩm tối ấy thế nào cũng ổn chuyện ra về ngay. Bấy giờ Phượng Thư mới điều binh khiển tướng, đặt sẵn vòng vây.
[…]
Đương lúc phân vân, thấy lù lù một bóng đen đi đến, Giả Thụy đoán chắc là Phượng Thư. Người ấy vừa đến gần, Giả Thụy ôm chầm lấy, như hổ đói vồ mồi, mèo đói vồ chuột, nói: “Chị ơi! Làm tôi chờ lâu chết đi được!” Hắn ôm ngay lên giường, hôn hít, cởi dải quần, rồi cứ “cha ôi! mẹ ôi!” kêu cuống cuồng lên. Người ấy lặng yên chẳng nói gì. Giả Thụy cũng đang cởi dải quần định nhập cuộc. Chợt có bóng đèn lòe sáng. Giả Tường cầm nến soi, hỏi: 
– Ai ở trong nhà ấy? 
Người nằm trên giường té ra là Giả Dung cười nói:
– Chú Thụy định hiếp tôi đấy!
Giả Thụy xấu hổ quá, không lẩn vào chỗ nào được, quay mình toan chạy. Giả Tường giữ lại, bảo:
– Không được chạy! Thím Liễn đã trình với bà Hai là chú đến ghẹo thím ấy. Thím ấy dùng kế giữ được chú ở đây. Bà Hai nghe nói, tức lộn ruột, bảo đến bắt chú. Chú phải theo tôi đi ngay!
Giả Thụy sợ hết hồn, nói:
– Cháu ơi! Cháu cứ nói là không tìm thấy chú, ngày mai chú sẽ hậu tạ.
[…]
Giả Tường lấy giấy bút, ra vẻ làm phúc làm đức, bắt Giả Thụy phải viết văn tự và ký tên vay 50 lạng. Xong xuôi đâu đấy, hắn lại bắt điều đình với Giả Dung. Lúc đầu Giả Dung nhất định không nghe, chỉ nói: “Ngày mai báo cho cả họ biết, xem họ phân xử ra sao!” Giả Thụy kêu van mãi, sau phải sụp xuống lạy, Giả Tường mới làm ra vẻ nhân từ, bắt Giả Thụy phải viết một bức văn tự vay 50 lạng bạc nữa mới thôi.
[…]
Giả Thụy không làm thế nào được, đành phải ngồi chồm chỗm ở dưới thềm. Đang lúc lo nghĩ. Chợt ở trên đỉnh đầu, nghe ào một tiếng, một thùng vừa cứt vừa nước đái đổ xuống suốt từ đầu đến chân, Giả Thụy “ối chào” một tiếng, vội bưng miệng, không dám kêu to, đầu và mặt đầy những cứt đái, người lạnh như băng, run cầm cập. Giả Tường chạy lại bảo “Chạy mau! Chạy mau!” Giả Thụy được lệnh, ba chân bốn cẳng, từ cửa sau chạy về. Bấy giờ đêm đã canh ba, phải gọi cửa.

Ở lần thứ hai này, cấp độ “bị lừa dối, bị lạnh nhạt, và bị trừng phạt về thể xác” của Giả Thụy còn nặng nề hơn! Lần trước y chịu đựng một mình, còn bây giờ có hai người chứng kiến. Giả Dung, Giả Tường trêu chọc y, sỉ vả y, bắt y lạy lục xin tha và viết văn tự nợ, đó là hành hạ tinh thần. Những thứ chất thải đổ lên đầu lại càng làm hoàn thiện bức tranh thê thảm của Giả Thụy, là ẩn dụ cho sự kiệt cùng, nhơ nhuốc của y. Dưới góc độ thể diện, nó còn tệ hơn bị đánh đòn hay bắt nhịn ăn. Rõ ràng Giả Thụy càng luyến ái Phượng Thư bao nhiêu thì lại càng phải chịu đựng sự hành hạ khốc liệt bấy nhiêu. Cơ thể bị dày vò, tinh thần bị làm nhục, có thể nói Giả Thụy đã ở đáy cùng của số phận. 

Thế nhưng cái nghiệt ngã của tình lại nằm ở chỗ này: khi Phượng Thư không đùa cợt với Giả Thụy nữa, bản thân y cũng không dám bén mảng đến gần nàng, thì sự mê đắm của y mới đạt đến mức tột cùng. Giả Thụy không chỉ đơn thuần bị Phương Thư quyến rũ. Y đã bị ám ảnh với nàng, hoàn toàn lạc lối trong ma đạo của tình dục.

Giả Thụy tới gặp Phượng Thư

Bấy giờ hắn mới biết Phượng Thư lừa mình, tức giận một hồi, nhưng lại nghĩ đến bóng dáng yểu điệu của nàng, tiếc không được ôm ngay vào lòng. Hắn nghĩ vơ nghĩ vẩn suốt đêm, không chợp mắt. […] Với con người mới hai mươi tuổi đầu, chưa có vợ, mơ tưởng Phượng Thư không toại nguyện, tránh sao khỏi ngón tay rầy dã rành rơi (*), gia dĩ hai lần bị rét và đi lại đêm hôm vất vả. Mấy mặt dồn dập tấn công, hắn đâm ra mắc bệnh: bụng đầy, miệng nhạt, chân run, mắt cay, đêm sốt, ngày mỏi mệt, đi đái dắt, di tinh, ho ra máu… Chưa đầy một năm, bệnh cứ nặng lên. Không gượng được nữa, hắn phải nằm liệt trên giường, hễ nhắm mắt lại mê mẩn bàng hoàng, sợ hãi, hoảng hốt, nói nhảm luôn mồm.

Đây mới thực sự là hồi kết của Giả Thụy. Đã đến nước này, y mê luyến Phượng Thư đến nỗi không cần mượn ai hành hạ y, chính y tự tàn phá bản thân mình! Mang Mang đạo sĩ đem tới cho y chiếc gương “Phong nguyệt bảo giám” (giám sát chuyện gió trăng) với mục đích cứu y. Giả Thụy không những không làm được theo lời dặn mà còn lún sâu hơn vào nghiệp chướng, đến chết mới thôi.

Đạo sĩ thở dài:
– Bệnh ngươi không thể chữa bằng thuốc được! Ta đưa cho ngươi cái “bảo bối” này, ngày ngày ngươi ngắm vào đấy mới có thể cứu được.
Đạo sĩ lấy ở trong tay nải ra đưa cho Giả Thụy một cái gương soi cả hai mặt. Đằng sau gương khắc bốn chữ “Phong nguyệt bảo giám” và nói:
– Gương này lấy ở đền Không Linh trong cõi Thái hư ảo cảnh, do vị tiên Cảnh ảo làm ra, có công giúp người đời bảo toàn tính mệnh. Vì thế, ta mang xuống trần chỉ để cho những bọn Vương tôn công tử tuấn tú phong lưu soi thôi. Nhưng chỉ nên soi mặt trái, không được soi mặt phải. Cẩn thận đấy! Soi ngay đi! Ba ngày nữa ta lại lấy, chắc bệnh ngươi sẽ khỏi. 
Nói xong, thong dong đi ra, ai giữ cũng không chịu ở. Giả Thụy cầm lấy gương nghĩ thầm:
– Đạo sĩ này chắc có ý gì đây! Ta hãy soi thử xem sao?
Bèn cầm gương mang mặt trái ra soi, thấy trong có bộ xương người. Giả Thụy sợ quá, vội giấu gương đi, mắng: “Đồ láo! Làm sao lại dọa ta! Ta hãy soi mặt phải xem sao?” Bèn soi mặt phải, thấy Phượng Thư đứng ở trong, vẫy tay gọi. Giả Thụy mừng lắm, mê mẩn đi vào trong gương, cùng Phượng Thư vui cuộc mây mưa, rồi Phượng Thư lại đưa ra nằm trên giường. Giả Thụy kêu “ái chà” một tiếng, bừng mắt ra, cái gương tự nhiên lật lại mặt trái, vẫn thấy một bộ xương người đứng sừng sững ở trong. Giả Thụy mồ hôi đầm đìa, dưới quần tinh thoát ra một đống. Dục tình vẫn chưa được thỏa, hắn lại quay mặt phải ra soi, thấy Phượng Thư lại vẫy tay gọi, hắn lại đi vào trong gương, cứ thế ba bốn lần. Đến lần cuối cùng vừa mới ở trong gương ra, thấy hai người chạy lại mang xích sắt khóa tay lôi đi, Giả Thụy kêu “Để cho tôi lấy cái gương đã”. Rồi im bặt, không nói được nữa.

Giả Thuỵ mê mải soi gương

Những người hầu bên cạnh thấy Giả Thụy mang gương ra soi, gương rơi xuống, mắt trợn to, lại cầm lấy gương. Cuối cùng gương rơi ra, tay không động đậy nữa. Mọi người đến xem thì đã tắt thở rồi, dưới quần đầm đìa một vũng tinh lạnh buốt.

Giả Thụy bị quỷ bắt xuống địa ngục

Theo thiển ý của tôi, đoạn trích ở phần 2 là một trong những đoạn có nhiều tầng ý nghĩa nhất của Hồng Lâu Mộng.

Thứ nhất, nếu hành trình chịu đựng của Giả Thụy có nhiều bậc thì đây chính là nấc thang cuối cùng. Nỗi thống khổ y chịu đựng theo độ mê đắm mà tăng lên, y dần đánh mất sức khỏe, danh dự, ý chí, cuối cùng là mạng sống. Thứ “tinh” được nêu trong truyện là ẩn dụ cho tinh khí, tinh thần, tinh hoa của Giả Thụy. Kết cục của Giả Thụy là bài học cảnh tỉnh về sự mê muội tình dục. Sự dâng hiến cho tình của Giả Thụy tuy không đẹp đẽ thơ mộng nhưng hoàn toàn triệt để. Giả Thụy quả thực không còn gì để mất nữa rồi!

Tiếp theo, cần bàn về bộ xương người. Trong triết học phương Tây, đây là motif thường bắt gặp trong những memento mori – sự nhắc nhở về tính hữu hạn của đời người. Ai ai rồi cũng phải chết.

Tác phẩm “All is vanity” của Charles Allen Gilbert

Đặt trong bối cảnh Hồng Lâu Mộng, bộ xương lại mang thông điệp Phật giáo rõ rệt. Trong Đại Trang Nghiêm Kinh từ thế kỉ thứ năm đã có câu chuyện tương tự: một vị Phật dùng pháp lực biến một kỹ nữ thành bộ xương cho các đệ tử nhìn rõ bản chất của nhan sắc. Chữ “sắc” trong tiếng Hán vừa chỉ sắc đẹp, vừa chỉ hình tướng mà con người có thể cảm nhận được, đối ngược với không là hình tướng mà mắt phàm không thấy được. Nhưng vạn vật luân chuyển, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Muôn vật đều là không có thật, là phù du. Phượng Thư tươi đẹp thật nhưng má hồng môi son rồi cũng thành cát bụi cả. Ngoài ra bộ xương còn là lời cảnh tỉnh: nếu Giả Thụy không quay đầu, tất mau có kết cục như bộ xương này. Ở hồi đầu truyện Chân Sĩ Ẩn khi giải nghĩa bài thơ “Hảo Liễu ca” đã nói:

Xưa sao phấn đượm hương nồng.
Mà nay sương nhuộm như bông trên đầu?
Bãi tha ma có xa đâu,
Là nơi màn thắm là lầu uyên ương.

Tất cả “sắc” đều sẽ tan biến, chỉ có sự tan biến là bất biến. Đã biết tình, sắc, dục là vô thường mà vẫn mê đắm, chẳng phải ngu ngốc sao? Thế nhưng Giả Thụy không dám đối mặt với thực tế đó. Một mặt y sợ cái chết, mặt khác y quá quyến luyến chữ “sắc” đến nỗi không thể rời bỏ. Oái oăm thay, chính việc không chịu thừa nhận tính vĩnh hằng của sự chết đã đẩy Giả Thuỵ nhanh tới nó.

Thứ ba, không thể bỏ qua chiếc gương “Phong nguyệt bảo giám”. Gương vốn là biểu tượng cho tâm hồn. Nhưng thế giới song đôi trong gương cũng là ẩn dụ cho sự gắn bó mật thiết giữa các cặp phạm trù sắc-không, thực-hư, âm-dương. Nếu Phượng Thư ngoài đời là sắc, thì Phượng Thư trong gương lại càng mơ hồ, là hư huyền của hư huyền. Phượng Thư trong gương là do trí tưởng tượng của y hun đúc nên, không có quan hệ với mợ Hai Liễn ngoài đời kia. Thay vì nhìn vào mặt trái để thấy rõ chân lý, Giả Thụy lại đắm chìm vào thế giới ảo của mặt phải. Công cuộc mò trăng đáy nước này khiến y phải trả giá bằng mạng sống. Đến phút chót, y vẫn muốn mang chiếc gương theo mình xuống âm ti, thật đáng cười mà cũng đáng thương.

Khi Giả Đại Nho, ông nội Giả Thụy định đem đốt chiếc gương, trong gương có tiếng nói vọng ra: “Ai bảo soi mặt phải! Các ngươi tự mình lấy giả làm thực, việc gì lại đốt gương của ta?” Đại Nho nghĩa đen là “nhà nho lớn,” nhưng lại họ “Giả,” ý nói lão chỉ là nhà nho giả hiệu. Tào Tuyết Cần đã dựng lên hình ảnh Giả Đại Nho để giễu cợt những kẻ theo đạo Khổng nhưng đầu óc xơ cứng, hủ lậu, không nhìn ra được bản chất của sự vật. Nhân vật này lúc trước rèn dạy Giả Thụy bằng cách đánh đập, sau lại muốn đốt chiếc gương, đúng là chữa bệnh từ ngọn, mê lầm không lối thoát.

Cuối cùng, chúng ta cần phân tích hình ảnh Giả Thụy khi chết. Hồng Lâu Mộng không thiếu những chi tiết phòng the, nhưng chỉ hai lần Tào Tuyết Cần nhắc đến chi tiết “giấc mơ ướt” một cách trần trụi như vậy: Giả Thụy khi chết, và khi Bảo Ngọc tỉnh dậy sau khi ân ái với nàng tiên.

Tập Nhân đến buộc hộ thắt lưng, vừa thò tay vào đùi Bảo Ngọc, thấy một đám dính như hồ lành lạnh, Tập Nhân giật mình co tay lại hỏi:
– Cái gì thế này?
Bảo Ngọc đỏ bừng mặt, bấm mạnh tay Tập Nhân một cái.

Theo các nhà Hồng học như Jinsheng Yi đã chỉ ra, sự giống nhau giữa Bảo Ngọc và Giả Thụy có ý nghĩa quan trọng. Nói một cách đơn giản, Giả Thụy chính là bài học cảnh giác cho Bảo Ngọc. Tên chữ của Giả Thụy là Thiên Tường”, nghĩa đen là “điềm báo của trời”. Bảo Ngọc là ngọc quý, Thụy cũng là ngọc. Con đường tình ái mà Bảo Ngọc bước chân vào ở hồi năm, tuy phần nào trong sạch hơn Giả Thụy, về bản chất không khác gì nhau. Bảo Ngọc lần đầu trải qua sự mất mát tinh lực của người đàn ông sau giấc mơ với nàng tiên. Nếu Bảo Ngọc không biết kiềm chế, để điều đó lặp đi lặp lại, ắt sẽ phải chết như Giả Thụy. Nói rộng hơn, tính cách “phong lưu gây lấy nợ vào thân” của Bảo Ngọc chính là tiền đề cho những đau xót, thất vọng, nhục nhã trong đời cậu ta sau này: bị bố đánh, người hầu yêu và người tình phải chết, phải chứng kiến cảnh tan tác của các chị em,… Nỗi khổ mà Bảo Ngọc cũng như Giả Thụy gánh chịu, nói cho cùng, đều bắt nguồn từ một chữ “si.” Về cuối truyện, Bảo Ngọc đã kịp thời nhận ra chân lý “sắc sắc không không,” từ đó rẽ ngang, thoát khỏi luân hồi, đó vừa là bi kịch vừa là may mắn của Bảo Ngọc.

Kết luận lại, Giả Thụy là một nhân vật phụ nhưng số phận của y hàm chứa triết lý nhân sinh to lớn, có thể nói là đã hóa thành truyện ngụ ngôn răn dạy người đời. Mang Mang đạo sĩ và chiếc gương “Phong Nguyệt bảo giám” xứng đáng nhận giải bác sĩ phân tâm học của năm!

(*) sự thủ dâm, lấy từ Tây Sương Ký 

*

No comments:

Post a Comment