Monday, April 10, 2017

Trứng Faberge thần tiên – bằng chứng phù hoa của triều đại Nga hoàng

Trứng “Chim công” (Peacock egg) của Faberge. Quả trứng làm bằng pha lê, bên trong có cây bằng vàng, một chú chim công vàng chễm chệ bên trên. Chú chim công có thể được vặn dây cót và đi lòng vòng.

Ở Nga, do ảnh hưởng của Giáo hội Chính thống Giáo Nga (còn gọi là Tòa thượng phụ Moskva), lễ Phục Sinh (Easter) là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất. Từ trước khi Thiên chúa giáo thâm nhập vào tín ngưỡng nhân loại, quả trứng đã là một biểu tượng phồn thực gắn kết với sự tái sinh của thiên nhiên. Vì vậy ở đất nước Nga, trứng là một phần không thể thiếu của lễ Phục sinh.


Trứng Phục sinh ở Nga bình thường sẽ được nhuộm màu (thường là màu đỏ biểu tượng cho máu của Chúa – người dân Nga yêu màu đỏ) và trang trí bằng nhiều cách. Nhưng để có những quả trứng kiệt tác, tinh xảo thì cần có bàn tay của một thiên tài – Peter Carl Faberge.

Trứng “Hoa cỏ mùa xuân” của Faberge lấy cảm hứng từ nghệ thuật Rococo và Gothic

Lễ Phục sinh năm 1885 cũng trùng với kỷ niệm 20 năm ngày cưới của Nga hoàng Alexander đệ Tam và hoàng hậu Maria Fedorovna. Từ thời thơ ấu, hoàng hậu đã mê mẩn quả trứng trang sức của bà cô công chúa Đan Mạch. Nhân kỷ niệm ngày trọng đại, người chồng mẫu mực Nga hoàng gửi gắm cho Faberge việc chế tác một món đồ kim hoàn thật đặc biệt lấy cảm hứng từ quả trứng. Và quả trứng đầu tiên trong bộ sưu tập 54 trứng Faberge đã ra đời với cái tên Trứng Gà Mẹ (Hen Egg).


Trứng “Gà mẹ” của Faberge – quả trứng đầu tiên

Hoàn toàn làm bằng vàng, Hen Egg được tráng một lớp men trắng mờ giống như vỏ trứng gà thật, với một đường ráp vàng ở giữa. Nhưng ngạc nhiên chưa! Khi mở đường ráp vàng, quả trứng tách làm hai, để lộ ra một lòng đỏ trứng cũng bằng vàng. Lòng đỏ trứng lại mở ra để lộ một chú gà vàng dát ngọc với đôi mắt đính hồng ngọc. Bên trong chú gà lại có hai điều ngạc nhiên nữa (mà bây giờ đã mất): một vương miện tí hon, và một sợi dây chuyền mặt hồng ngọc. Thử tưởng tượng niềm vui của hoàng hậu khi nhận được quả trứng kỳ diệu đó! Từ sau đấy, Faberge được toàn quyền chế tác những quả trứng – đỉnh cao của nghệ thuật kim hoàn, chỉ với một điều kiện: quả trứng nào cũng phải chứa ít nhất một điều ngạc nhiên. Như người ta đã nói, phần còn lại là lịch sử.

Peter Carl Faberge, tên thật Karl Gustavovich Faberzhe, là con trai của một nhà kim hoàn Đức và một người phụ nữ Đan Mạch. Ông nội của Peter Carl là người đầu tiên trong dòng họ trở thành công dân Nga. Cha của Peter gửi ông đi châu Âu để học nghề kim hoàn, và chàng Peter trẻ tuổi đã bị ấn tượng sâu sắc bởi những tuyệt phẩm như món hộp nữ trang hình trứng khảm đá quý của Le Roy.
“Egg casket” của Le Roy, nằm trong bộ sưu tập Forbes, cảm hứng cho quả trứng “Phục Hưng” (Renaissance egg) mà Faberge sẽ chế tác sau này.

Sau một thời gian chu du Rome, Venice, Florence, London, Paris, Peter quay trở lại St. Petersburg để tiếp quản công ty của gia đình. Cùng anh trai mình là Agathon, ông đoạt huy chương vàng trong hội chợ Pan-Russian năm 1882 nhờ những bức tượng động vật tinh xảo – một làn gió mới mẻ bên cạnh những tác phẩm thừa mứa kim cương và vàng. Việc kinh doanh ngày càng thịnh vượng và đôi khi 700 nhân viên trong xưởng của ông cũng không thể hoàn thành hết những đơn đặt hàng tới tấp.

Trong số những người chú ý đến Peter có Nga hoàng. Kể từ sau khi cha của Alexander đệ Tam bị ám sát (cuộc ám sát này góp phần khiến Alexander trở nên chuyên quyền,) vợ của Nga hoàng trở nên trầm cảm. Những quả trứng Faberge là món quà Nga hoàng dùng để động viên tinh thần cho hoàng hậu. Năm 1885, sau khi hoàn thành trứng “Gà mẹ”, Peter Faberge được Sa hoàng chỉ định làm nhà kim hoàn của triều đình.

Ảnh chụp Peter Carl Faberge khi đang làm việc

Trong cuốn sách của mình, H.C. Bridge mô tả Faberge là một người nhạy cảm, ít nói nhưng cũng nóng tính, luôn luôn đóng bộ chỉnh tề trong những chiếc áo bằng vải tweed. Ông phải làm việc với một áp lực rất lớn, vì bất cứ lúc nào cũng có thể có yêu cầu từ phía trên “hãy làm gì đó mới lạ.” Khách hàng của ông không chỉ bao gồm hoàng gia Nga, mà còn có vua Edward đệ Tam của Anh, và vua Rama Thái Lan. Trên bàn ông luôn có một chiếc búa nhỏ, và ông kiểm tra từng lỗi nhỏ trên các tác phẩm tại đó. Nếu một tác phẩm nào không qua được sự nghiệm thu của ông, Faberge sẽ đập nát nó ngay lập tức. Một quả trứng Faberge chứa đựng một sáng tạo mới có thể lấy mất của ông một năm trời làm việc – lên ý tưởng, ra kế hoạch, chế tạo, nghiệm thu.

Một số bản phác thảo các quả trứng của Faberge

Trứng “Kim cương mắt cáo” (Diamond Trellis Egg). Trứng làm từ ngọc bích, phủ lưới mắt cáo vàng và kim cương. Bên trong trứng lót satin. Một chú voi nhỏ nạm kim cương, đá quý có thể đi bộ nếu được vặn chìa khóa. Chú voi này đã bị ăn cắp. Voi là loài động vật xuất hiện trên huy hiệu của gia tộc hoàng hậu.

Khi ngắm nhìn những tác phẩm Faberge chế tạo cho gia đình hoàng tộc, một phần trong ta choáng ngợp bởi sự hào hoa tráng lệ của đá quý, một phần trong ta khâm phục kỹ xảo của Faberge khi chế tạo ra những tác phẩm kết hợp hoàn hảo nghệ thuật, kim hoàn, và công nghệ. Nhưng đối với rất nhiều người, trứng Faberge còn gắn liền với bi kịch số phận của nhà Romanov. Chúng biểu tượng cho sự hưởng thụ quá độ – một phần dẫn tới sự diệt vong của triều đại Nga hoàng và kết thúc sự trị vì của nhà Romanov kéo dài 300 năm.

Trứng “Cây nguyệt quế” (Bay tree egg). Nếu vặn đúng một chiếc chìa khóa vàng nằm ẩn trong lá, một chú chim họa mi sẽ nhảy ra hót một bài, vẫy cánh và lắc mỏ.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng trong lịch sử kim hoàn kể từ sau Benvenuto Cellini, không có một tài năng nào có thể sánh bằng Faberge. Bàn tay của người thợ kim hoàn này không chỉ gói gọn ở những quả trứng Phục sinh mà còn bao gồm những con tàu thủy tí hon có thể chạy trên nước, những khung ảnh pha lê gắn lông vũ, thậm chí những cây kim đan len gỗ mun khảm vàng cho một nữ công tước. Việc sự nghiệp của Faberge gắn liền với một bước ngoặt trong lịch sử Nga là một cơ duyên giúp chúng ta phần nào hình dung ra được bộ mặt của thời đại đó.

Trứng “Gà trống” (Chanticleer egg) – một trong những quả trứng Faberge có kích cỡ lớn nhất. Một bên trứng là mặt đồng hồ, trên đỉnh có một chú gà trống xuất hiện dựa theo giờ trong ngày.

Khi con trai Alexander đệ Tam là Nicholas đệ Nhị lên ngôi, nhà vua tiếp tục chỉ định Faberge làm nhiệm vụ chế tạo những quả trứng xa hoa. Quả trứng đầu tiên Nicholas tặng cho vợ mình là quả “Nụ hồng” (Rosebud) bởi Alexandra Feodorovna nhớ nhung những vườn hồng ở nơi chôn rau cắt rốn Darmstadt. Khi mở quả trứng ra, một nụ hồng màu vàng sẽ xuất hiện, bên trong lại chứa một mặt đá hồng ngọc và vương miện đá quý tí hon – biểu tượng cho ngôi vị mới của Alexandra.

Trứng “Nụ hồng” của Faberge

Trứng “Hoa linh lan” (lilies of the valley) của Faberge.

Một nút vặn bằng ngọc trai trên đỉnh sẽ mở ra ba bức chân dung của chồng và con hoàng hậu Alexandra.

Do thành công vang dội của mình, Faberge có không ít đối thủ cạnh tranh. Nổi bật nhất trong số đó là Karl Hahn và Ovchinnikov. Beilin, K.Bok và I. Britzin đều đã từng làm cho Faberge trước khi tách ra mở công ty riêng. Sau đây là hai tác phẩm tiêu biểu của Karl Hahn và Ovchinnikov, góp phần giúp người đọc có cái nhìn tổng thể về một thị trường rất cao cấp thời Nga hoàng.

Tam bình kỉ niệm 300 năm thống trị của nhà Romanov, tác phẩm của Karl Hahn.

Samara của Ovchinnikov

Sau khi tình hình chiến sự nổ ra với nước Đức, Faberge vẫn cố gắng chế tạo những quả trứng cho triều đình, mặc dù một phần xưởng kim hoàn của ông bị chiếm làm nơi sản xuất vũ khí. Khi Nicholas đệ Nhị bị bắt cóc, tình hình trở nên xấu đi rất nhiều. Rồi chính quyền Bolshevik nắm lấy quyền lực, Faberge bỏ trốn khỏi Nga, đóng giả làm một người khuân vác cho Đại sứ quán Anh. Ngay cả sau đó, những người Bolshevik vẫn tiếp tục điều hành công ty của Faberge, tìm cách hoàn thành các tác phẩm dang dở, hoặc copy những tác phẩm đã được chế tạo nhằm kiếm chút lợi nhuận. Cuối cùng tất cả các thợ thủ công trong xưởng đều bỏ đi. Cửa hàng vẫn được mở và sống lây lất, nhưng trên thực tế nhà Faberge huy hoàng đã chết khi người đứng đầu Peter Carl Faberge bỏ đi năm 1918. Bản thân Faberge qua đời vào năm 1920, theo như nhiều người nói vì ông không thể vực dậy nổi từ cú sốc triều đại Nga hoàng sụp đổ.

Cùng chiêm ngưỡng một số quả trứng Faberge khác:

Trứng “Đăng quang” (Coronation egg). Bên trong là một bản sao thu nhỏ của cỗ xe ngựa đưa hoàng hậu Alexandra đến nơi tấn phong

Trứng kỉ niệm mười lăm năm lên ngôi của Nicholas đệ nhị. Mặt trứng được chia làm 18 bức tranh nhỏ vẽ trên ngà voi của chân dung hoàng gia và các sự kiện trong cuộc đời Nga hoàng.

Trứng hoàng tử Alexis làm từ đá lapis lazuli, bên trong chứa một con đại bàng hai đầu và một bức chân dung của hoàng tử

Trứng dành tặng cho nữ công tước Marlborough

Trứng hoa huệ đồng hồ (Bouquet of lilies clock egg), bí mật bên trong đã bị ăn cắp

Dành cho các fan hâm mộ điện ảnh: trong bộ phim 007 Octopussy, điệp viên James Bond giấu thiết bị quay lén vào quả trứng Coronation ở trong bài. Phim Ocean's twelve cũng có sự góp mặt của "diễn viên phụ" trứng Faberge. 

Do khuôn khổ bài viết nên không thể giới thiệu toàn bộ vẻ đẹp và chi tiết của từng quả trứng. Tuy nhiên, có một số cuốn sách (có thể dùng làm quà tặng, sách để bàn, hoặc đưa vào bộ sưu tập sách nghệ thuật) bao gồm hình minh họa và lịch sử chi tiết của trứng Faberge, cộng thêm nhiều sản phẩm khác mà Peter Carl Faberge đã tạo ra, xin liệt kê để bạn đọc tham khảo:


– Faberge-Imperial eggs and other fantasies, của Christopher Forbes.
 Masterpieces from the House of Faberge, của Alexander Von Solodkoff
 Faberge Eggs: A Retrospective Encyclopedia, của Will Lowes và Christel Ludewig McCanless

*

No comments:

Post a Comment