Monday, April 10, 2017

Jean-Auguste-Dominique Ingres: ừ thì “nhân tạo”, ừ thì “lỗi thời”, nhưng mà quá đẹp

Họa sĩ Tân cổ điển người Pháp có cái tên dài khó nhớ Jean-Auguste-Dominique Ingres qua đời tại Paris vào ngày 14 tháng 1 năm 1867, sống lâu hơn 4 năm so với Eugene Delacroix của phong trào Lãng mạn - kẻ duy nhất được (bị) Ingres coi là đối thủ ngang tầm trong đời. Hai triển lãm, một ở đại học Harvard, Mỹ, một ở Petit Palais, Pháp đã được tổ chức vào năm 1967 để kỷ niệm 100 năm mất của ông.
Ingres là một con người phức tạp cả trong cuộc đời lẫn sự nghiệp, có không ít người yêu cũng như kẻ ghét. Tính cách khá “dị” của Ingres là lý do bài viết này chọn phân tích ông như một gương mặt tiêu biểu của Neoclassicism, một phong trào đa chiều như chính con người ông vậy.

Chân dung tự họa của Ingres năm 24 tuổi. Năm 17 tuổi ông đã được giải Quán quân của trường Mỹ thuật Paris, và giải Grand Prix de Rome năm 21 tuổi. Năm 23 tuổi ông được chọn vẽ chân dung Napoleon Bonaparte.

Không những có danh tiếng vang dội khi còn sống, Ingres còn được coi như một trong những họa sĩ vẽ chân dung tài năng nhất của thế kỷ 19 trong cả hai thể loại sơn dầu và vẽ chì. Những bức tranh hoành tráng của ông được công nhận là ví dụ xuất sắc về bố cục và kỹ thuật hoàn chỉnh. Các chủ đề của Ingres thường là thần thoại, cổ điển, hoặc tôn giáo với cách diễn giải mang tính Tân cổ điển nhưng lấy cảm hứng từ Phục Hưng Ý, đặc biệt là Raphael (lời khen mà Ingres dành cho nhạc sĩ Mozart? “Ông ấy là một Raphael thứ hai”.)

“Chân dung nữ nam tước nhà Rothschild” của Ingres, 1848. Gia đình Rothschild là một trong những gia đình giàu có nhất trong lịch sử nhân loại. Họ tích lũy của cải nhờ kinh doanh ngân hàng và chen chân vào giới quý tộc nhờ sức mạnh của đồng tiền. Gia đình này duy trì tập tục người trong họ tộc lấy lẫn nhau như hoàng gia châu Âu. Nữ nam tước trong tranh kết hôn với chú ruột, ngài James de Rothschild (!)

Tuy nhiên sự nghiệp của Ingres không thoát khỏi nhiều lần bị giới phê bình chê bai cay nghiệt. Một trong những lần đó khiến ông từ chối rời Rome về Paris, phá vỡ hẹn ước đính hôn với nữ họa sĩ Marie-Anne-Julie Forestier. Forestier không bao giờ kết hôn trong suốt phần đời còn lại và còn nói rằng:”Một khi đã có vinh dự được đính hôn với ngài Ingres thì không thể cưới người khác.” Phim tình cảm Hollywood chắc cũng phải vái chào. Nhất là khi ngài Ingres nhà ta chỉ vài năm sau là nhanh nhẩu… lấy vợ khác.

Phong cách cổ điển Hy-La của Ingres trước tiên được thiết lập nhờ thầy của ông, Jacques-Louis David. Bản thân Ingres lại phát triển nó bằng cách lãng mạn hóa các đề tài truyền thống, song ông vẫn luôn duy trì trật tự nghiêm cẩn của hình khối và đường thẳng. Các bố cục kinh điển và sự chính xác tuyệt đối của Ingres là nền tảng cho nhiều họa sĩ hiện đại sau này, ví dụ như Edgar Degas. Song cũng chính vì lý do đó mà Ingres và Delacroix luôn cạnh tranh, thậm chí dè bỉu nhau. Delacroix là một linh hồn lãng mạn bồng bột, đam mê những mảng màu tự do rực rỡ và các hình dáng tự nhiên đầy sức sống, do đó luôn chê bai Ingres là nhân tạo, lỗi thời, cổ hủ. Ingres cũng không kém phần ngứa mắt vì Delacroix. Cãi nhau về nghệ thuật chưa đủ, hai ông còn đụng độ cả trong đời tư. Mức độ chi tiết được ghi lại về sự cạnh tranh của hai ông chứng tỏ quần chúng thời xưa cũng tò mò y như chúng ta bây giờ về giới nghệ sĩ.

“Cái chết của Sardanapalus”, tranh của Ferdinand-Victor-Eugène Delacroix, 1827. Delacroix mô tả một câu chuyện thần thoại – lịch sử về nhà vua Sardanapalus hạ lệnh giết toàn bộ cung tần mỹ nữ trước khi tự sát vì thua trận. Tuy cùng sử dụng chủ đề những chủ đề lịch sử, thần thoại nhưng Delacroix có cách tiếp cận hoàn toàn khác với Ingres.

Mối quan hệ sóng gió của Ingres với giới phê bình nghệ thuật Paris không chỉ dừng lại  lúc Ingres còn trẻ dại. Kể cả khi Ingres đã trở thành hiệu phó, và rồi hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Paris (Ecolde des Beaux Arts,) các nhà phê bình vẫn không hề kiêng nể gì trong chuyện chê bai ông. Ở lứa tuổi 50, lòng tự ái của Ingres vẫn cao ngút trời và ông lại một lần dứt áo ra đi, bỏ Paris đi Rome và ở đó đến năm 1841.
“Thánh Symphorien tử vì đạo,” của Ingres, 1934. Những ý kiến trái chiều về bức tranh này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Ingres uất ức bỏ Paris sang Rome làm hiệu trưởng French Academy, Villa Medici.

Trong thời gian ở Rome, Ingres dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các di tích cổ xưa. Hai tác phẩm ông hoàn thành trong khoảng thời gian 1834 – 1841, một là Cung phi và nô lệ (Odalisque with slaves, hiện nằm ở bảo tàng Fogg, Harvard,) hai là Antiochus và Stratonice, đã trở thành bệ phóng khiến danh tiếng Ingres rạng rỡ hơn  cả xưa! Uy tín được tái lập, ông được đón chào tại Pháp như một người hùng, và khi Ingres trở lại Paris, ông thậm chí còn được nhà vua Louis-Philippe thân chinh dẫn đi thăm thú Versailles. Vì tầm quan trọng của hai bức tranh đó, trong bài hôm nay, ta hãy thử cùng nhau xem xét tác phẩm Antiochus và Stratonice.

Câu chuyện về Antiochus và Stratonice tóm tắt ngắn gọn như sau: thời Alexander đại đế, có Stratonice là một công chúa trẻ tuổi, nàng kết hôn với một vị vua già tên là Seleucus, một trong những tướng lĩnh của Alexander, và có với ông ta một đứa con. Tuy nhiên con trai riêng của Seleucus là Antiochus lại tương tư chính mẹ kế và thất tình đến héo mòn. Để cứu con trai, vua Seleucus gả chính vợ mình cho con trai, đồng thời cho Antiochus cai quản phần lớn vương quốc.

Như những câu chuyện cổ lãng mạn tương tự, câu chuyện về Antiochus và Stratonice rất được ưa chuộng trong thời kỳ Neoclassicism. Bản thân Ingres biết về câu chuyện này nhờ bộ “Tiểu sử sóng đôi” (Parallel lives) của Plutarch và thường đọc nó cho các học sinh của mình nghe. Câu chuyện cũng được dựng thành kịch và một vở opera do Mehul dàn dựng mà chính Napoleon là khán giả. Chủ đề này đã từng được chính thầy của Ingres, Jacques-Louis David thử sức vào năm 1774. Ngoài David, một họa sĩ mà Ingres rất hâm mộ là Louis Girodet cũng đã từng mô tả đề tài này. Thế mới biết, các họa sĩ bao giờ cũng nhìn nhau, bắt chước nhau mà vẽ, và thời nào cũng có mốt này mốt nọ.

Đây là tranh của Jacques-Louis David. Trong tranh, thầy thuốc Erasistratus áo đỏ chỉ tay về phía Stratonice – nguồn cơn căn bệnh của chàng hoàng tử ốm yếu nằm trên giường. Bức tranh này cũng giúp David đạt giải Grand Prix de Rome năm 1774.

“Antiochus và Stratonice” của Ingres, hoàn thành năm 1840, sơn dầu, hiện nằm ở Musée Conde. (Bấm vào hình để xem chi tiết)
Chi tiết Stratonice trong tranh, ngoảnh đi, cúi đầu.Chiếc vương miện, đồ trang sức và trang phục vô cùng tinh tế.

Bản phác thảo của Ingres vẽ thời còn là sinh vien, hiện nằm ở viện bảo tàng Louvre

Ngay từ khi còn là cậu sinh viên trẻ tuổi, Ingres đã bị ám ảnh với câu chuyện này. Năm 1825, ông lại phác thảo một bức nữa (bức phác thảo đã bị thất lạc.) Trong bức tranh hoàn chỉnh, hoàng tử Antiochus nằm bên phải trong bóng tối, bị bệnh nặng tưởng sắp không thể qua khỏi. Vị vua cha tuyệt vọng (mặc áo choàng đỏ) quỳ gối bên giường, mái đầu bạc đổ gục, cánh tay tuyệt vọng giơ về phía con trai. Thái y Erisistratus (áo trắng) sờ tay lên ngực chàng trai trẻ, cảm nhận được nhịp tim thổn thức của chàng và đoán ra nguyên nhân căn bệnh, ông nhìn hoàng hậu sửng sốt. Khi hiểu rõ ngọn ngành, người cha đã hy sinh tình vợ chồng vì tình cha con. Khung cảnh của căn phòng mang đậm tính cổ điển được rập khuôn từ di tích ở Pompeii. Chiếc giường nơi Antiochus nằm thì gần như bê nguyên xi motif kiến trúc cổ điển, nhìn giống như một ngôi đền thu nhỏ từ Acropolis. Đồ đạc trong phòng và các bức bích họa đều tinh xảo và cao quý, thấp thoáng thấy tranh vẽ Các chiến công của Hercules. Bức tượng được đánh dấu bên trái chính là của Alexander đại đế, được mô tả như một vị thần chiến tranh.

(Bấm vào hình để xem chi tiết)

Toàn bộ bức tranh toát lên một vẻ kịch tính mà vẫn lạnh lùng - kịch tính nhờ hành động, lạnh lùng nhờ màu sắc, các nhân vật được mô tả cao quý như các vị thần. Tinh thần của nó rất giống với Lời thề con trai nhà Horatius của Jacques-Louis David. Tuy nhiên có khả năng Ingres chịu ảnh hưởng từ thiết kế sân khấu của vở opera của Mehul nên bức Antiochus vẫn có cảm giác sum suê, đầy đặn hơn.

Nói về vẽ người, những ai hiểu rõ Ingres đều biết rằng ông coi cơ thể con người và “cơ thể” của một công trình kiến trúc về cơ bản là giống nhau. Khi Ingres khắc họa một con người, ông luôn đặt ra những câu hỏi về tỷ lệ, hình khối, ánh sáng giống như khi kiến trúc sư thiết kế một ngôi nhà. Thậm chí có những kẻ cực đoan còn cho rằng, Ingres không có khả năng yêu một người đàn bà nào cho ra hồn, ông chỉ có cảm xúc khi coi cô ta là một hình khối đáng để ông vẽ.

Hai trong số những bản phác họa Stratonice của Ingres

Có lẽ đó là lý do mà các nhân vật của Ingres luôn ở trong một trạng thái “tĩnh" đầy chủ ý kể cả khi họ chuyển động. Tư thế của Stratonice đã tốn của Ingres biết bao tâm huyết mới vừa ý. Sau này, tư thế đó trở thành một trong những kiểu tạo dáng yêu thích của Ingres. Trong bức chân dung quý bà Haussonville, ta lại bắt gặp nó.

Chân dung nữ bá tước Haussonville, 1845

Ingres tuyên bố rằng ông là một họa sĩ Hiện thực, và mới nhìn qua ta có thể tạm tin như vậy. Ông bị ám ảnh với việc miêu tả chính xác những gì ông thấy, từ sợ tóc đến nếp áo. Vấn đề là cái gì Ingres không cho là đẹp, không lọt vào mắt xanh thì ông… quay đi, không thèm nhìn. Đây không phải một câu nói phóng đại. Khi Ingres ở Ý, vợ ông phải trùm vải lên đầu ông mỗi khi họ đi qua những người ăn mày tàn tật xấu xí để họa sĩ đỡ … ngứa mắt. Tự cho mình trung thành với hiện thực, Ingres cho rằng lý tưởng hóa là một sự cào bằng nghệ thuật, làm đánh mất bản sắc nhân vật. Dễ hiểu vì sao Ingres tức điên lên khi bị các nhà phê bình chỉ ra rằng ông cũng lý tưởng hóa các nhân vật của mình ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng nếu nghĩ theo một cách khác thì có thể Ingres chọn lọc cái hiện thực mà ông muốn nhìn, và hiện thực của Ingres nhiều khả năng là “lý tưởng” hơn hiện thực của chúng ta rất nhiều. Dù sao, cách ông nắm bắt và mô tả tâm lý nhân vật xuất sắc đủ khiến ông trội hơn hẳn những họa sĩ mắc bệnh lý tưởng hóa mù quáng.

Odyssey, phác thảo cho Homer, 1827

"Phong thánh cho Homer," 1827

Trong những năm Ingres vẽ bức Antiochus và Stratonice, ông còn đóng vai trò dìu dắt các học sinh prix de Rome ở Villa Medici. Tầm quan trọng của bộ môn khảo cổ được ông đặc biệt nhấn mạnh. Ingres đầu tư nhiều tài liệu khảo cổ cho học sinh, thậm chí ông còn thiết lập khoa khảo cổ học do Signor Nibby đảm nhiệm. Ingres mong muốn những học sinh của mình, ngoài nhảy múa và ca hát, còn được trang bị những kiến thức nền tảng cần thiết cho sự nghiệp nghệ thuật của họ. Cực đoan song tận tụy, Ingres xứng đáng được kính trọng, không chỉ vì những đóng góp trực tiếp của ông đối với hội họa mà còn vì ảnh hưởng của ông đến nhiều họa sĩ như Henri Lehmann, Theodore Chasseriau, Amaury-Duval, và Charles Negre.

*

No comments:

Post a Comment