Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: hai chị em nhà họ Vưu - càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

Hồng Lâu Mộng tuy là bức tranh gấm màu rực rỡ thêu vòng trong vòng ngoài, càng ngắm càng sâu, song sợi chỉ tơ xuyên suốt tác phẩm là nghiệp chướng ái tình. Ngoại trừ Giả Mẫu ra, gần như cái chết nào trong chuyện cũng là chết vì tình. Ở bài trước ta đã bàn đến cái chết của Tần Khả Khanh, “Trời tình, bể tình là mộng ảo. Mà tội dâm kia cũng bởi tình.” Sang bài này, ta sẽ xem xét đến số phận hai chị em họ Vưu. Sở dĩ gộp chung lại vì tác giả cố ý cho họ làm chị em, do đó vận mệnh của họ vốn không thể tách rời, ngay cả nguyên nhân đẩy họ đến cái chết cũng cùng một gốc rễ.

Hồng Lâu nhị Vưu (tranh minh họa sách Hồng Lâu Mộng, không rõ tác giả)

Vưu nhị thư và Vưu tam thư là hai cô em gái của Vưu thị, vợ hai Giả Trân bên phủ Đông. Giả Trân còn có một người con trai lớn là Giả Dung, chồng Tần Khả Khanh. Hai bố con này là người thế nào? Dâm ô, xấu xa, ăn chơi, bệ rạc, đủ trò không gì không làm, xem ra còn tệ hơn cả Tiết Bàn. Hai cô em gái Vưu thị cũng không phải loại vừa, vừa xinh đẹp phong lưu, lại lẳng lơ phóng đãng. Lần đầu họ xuất hiện trong truyện đã đùa cợt cùng Giả Dung:

Hắn vờ làm bộ run sợ, ôm đầu lăn xả vào lòng dì Hai xin tha tội. Dì Ba quay mặt đi, nói:
– Chờ chị về sẽ mách cho nó!
Giả Dung cười, quỳ xuống giường xin tha tội, làm cho cả hai người cười ồ lên. Giả Dung lại vồ nắm sa nhân của dì Hai để ăn. Dì Hai nhai bã sa nhân đầy mồm nhổ toẹt vào mặt, hắn thè lưỡi liếm hết. Bọn a hoàn thấy trái mắt, đều cười, nói:
– Cậu vừa có tang, bà ngoại lại mới ngủ. Hai cô tuy trẻ tuổi nhưng đều là bậc dì. Cậu không coi bà ra gì à! Khi ông về bà sẽ mách, liệu cậu chạy đằng nào cho thoát!

Đúng như Giả Liễn dự đoán, hai chị em họ Vưu đều có quan hệ bất chính với anh rể và cháu trai. Nhưng nếu nhà văn còn bóng gió chuyện của Tần Khả Khanh, thì đối hai chị em họ Vưu thì Tào Tuyết Cần tung hê hết ra. Nét đẹp của họ cũng khác hẳn với vẻ băng thanh ngọc khiết của các cô tiểu thư trong phủ Giả:

Dì Ba tháo đồ trang sức, cởi áo ngoài, vén tóc mai lên, chỉ mặc một cái áo lót đỏ, nửa kín nửa hở, cố ý để lộ bộ ngực trắng nõn ra, dưới mặc quần xanh, đi giày đỏ, trông rất lộng lẫy. Lúc đứng lúc ngồi, khi vui khi giận, không có một phút nghiêm trang, đôi khuyên cứ lủng lẳng như đánh đu; dưới ánh đèn, trông càng tỏ ra mày liễu xanh rờn, môi son đỏ chót, đôi mắt như nước mùa thu, lại uống mấy chén rượu, càng thêm lẳng lơ khêu gợi.

Thế nhưng điều khó ngờ nhất đã xảy ra. Hai chị em Vưu nhị thư, Vưu tam thư nếu cứ “ngoan ngoãn” làm “gái hư” thì đã đành. Họ sẽ được liệt vào hạng xấu xa vô loài, tác giả cũng không cần tốn thêm bút mực để viết về họ nữa. Vấn đề là họ lại vướng vào lưới tình, yêu thật sự, si mê thật sự! Đây là sự khởi đầu của hai tấn bi kịch.

Người mà Vưu nhị thư đem lòng yêu là ai? Chính là Giả Liễn.

Giả Liễn 

Từ đầu truyện, hình ảnh Giả Liễn trong mắt độc giả vốn không được sáng sủa cho lắm. Chàng ta là kẻ thích mèo mỡ, nếu không vì sợ lọ “dấm chua” của Phượng Thư, ắt đã ăn chơi thỏa thích gấp mười. Tuy nhiên lúc nào hở ra được vợ cho ngủ riêng (khi Xảo Thư bị bệnh đậu mùa, phải kiêng chẳng hạn) là chàng ta chạy ngay đi tìm gái. Khi hai người mới gặp nhau, trai có ý mà gái cũng không vừa, tưởng đâu chỉ là chuyện gió trăng mà thôi. Nhưng ai ngờ lộng giả thành chân, Giả Liễn lén lút đưa Vưu nhị thư về làm vợ lẽ, đối xử chân tình thắm thiết. Lại mua cho nàng ta một gian nhà nhỏ, đặt tên là Tiểu Hoa Chi, ở giữa phủ Ninh và phủ Vinh. Như ta đã nhấn mạnh ở bài trước, nơi ở của nhân vật có gắn bó mật thiết với số phận của họ. “Tiểu Hoa Chi” – cành hoa nhỏ bị kẹp giữa hai tòa phủ, chẳng mấy chốc sẽ nát bấy. Tương lai của Vưu nhị thư ắt không lành.

Vưu nhị thư gặp Giả Liễn, đây chính là đoạn “gái buồn rầu đề thơ ngũ mỹ, trai lẳng lơ tặng ngọc cửu long” trong truyện

Giả Liễn quyến rũ Vưu nhị thư

Vưu nhị thư đã quen cảnh “dập dìu lá gió cành chim." Phượng Thư thì ghen tuông, tàn nhẫn, khiến Giả Liễn cảm thấy ngột ngạt khó thở, lúc điên lên còn rủa cô ta chết đi. Mối quan hệ của Giả Liễn và Vưu nhị thư, mới đầu tưởng chỉ là mạt cưa mướp đắng gặp nhau mà thôi, ai ngờ lại khiến họ trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Dường như chỉ trong mối quan hệ này, hai người mới nếm trải tình yêu thật sự. Lần này tác giả đã nhân hậu cho Vưu nhị thư được nếm trải cảm giác ngọt ngào của tình cảm đôi lứa, rũ bỏ lớp áo hư hỏng, lại khiến Giả Liễn biến thành một người chồng mẫu mực, độ lượng, không còn vẻ khinh bạc trước kia. Tương lai thật tươi sáng, hứa hẹn. Mấy câu sau đây ngắn ngủi mà đủ ý đã diễn tả sự thay đổi tích cực của họ:

Chị Hai lại là người đa tình, cho Giả Liễn là người nương tựa suốt đời của mình, việc gì cũng chăm sóc hỏi han. Chị Hai lại có vẻ dịu dàng hòa thuận, không những mọi việc bàn bạc không dám lộng quyền mà dáng điệu và lời nói việc làm cũng hơn hẳn Phượng Thư. Nhưng đã trót lỡ bước mắc phải một chữ “dâm” rồi, thì bao nhiêu điều hay cũng vứt đi cả. Giả Liễn lại nghĩ: “Ai không có điều lầm lỗi? Nhưng biết lỗi mà sửa đổi đi thì tốt”. Cho nên hắn không nhắc đến việc dâm lúc trước, chỉ kể điều hay bây giờ thôi, thành ra hai người một lòng một dạ, dính như keo sơn, thề cùng sống chết với nhau, còn để ý gì đến Phượng Thư và cô Bình nữa.

Bởi vậy mới nói, tình yêu có thể cứu chuộc con người! Sau khi Vưu nhị thư tìm được ý trung nhân Giả Liễn, lại đến lượt Vưu tam thư. Hai chị em xinh đẹp này được chính Bảo Ngọc khen là một đôi “vưu vật”(nghĩa là đồ quý, lại chơi chữ “Vưu” là họ của họ.) Theo lời kể của Tào Tuyết Cần, Vưu tam thư không những đẹp hơn cả chị, mà tính tình cũng đanh đá, ghê gớm, sắc sảo hơn chị gấp nhiều lần. Theo kiểu “không đẹp được thì cho xấu luôn,” không những không ngượng ngập về tội “hư” của mình, nàng ta còn lấy đó làm cớ để ngang ngược, khêu gợi, vênh vang. Nàng ta mắng Giả Trân rất thẳng: “Anh đừng lú lấp ruột gan, tưởng chừng tôi không biết việc trong nhà các anh hay sao? Lần này anh em nhà anh định vung một ít tiền thối ra, coi chị em chúng tôi là đĩ thõa để mua vui.”

Vưu tam thư mắng Giả Trân (hình minh họa trong sách Hồng Lâu Mộng)

Hãy xem nàng ta đày đọa mấy ông tướng nhà họ Giả thế nào:

Chị Ba ngày nào cũng kén chọn thức ăn đồ mặc, đã đeo bạc lại muốn đeo vàng, có hạt châu lại đòi ngọc báu; ăn ngỗng xong lại đòi mổ vịt; có điều gì không bằng lòng, liền hất cả mâm đi. Quần áo không vừa ý thì bất cứ lụa là mới may cũng lấy kéo cắt vụn ra, vừa xé vừa mắng. Rút cục bọn Giả Trân có được ngày nào vừa ý đâu? Trái lại phải tiêu trộm mất bao nhiêu là tiền.

Đó là cách Vưu tam thư đối xử với những tên đàn ông bạc bẽo. Nàng không ngại gì khi lợi dụng lại họ. Công khai, thách thức, ngang nhiên lắm. Nói gì thì nói, rõ ràng nàng ở thế của kẻ chiến thắng, dù là theo kiểu không còn gì để mất. Nhưng khi nàng bắt đầu mong muốn xây dựng gia đình với người trong mộng thì lại khác hẳn. Hạt giống tình gieo từ năm năm trước, giờ được tưới bởi hy vọng nên nở bừng ra. Nàng trở nên đứng đắn, lễ độ, cốt cách không kém gì các tiểu thư con nhà gia giáo. Người đọc lại càng biết rõ, sự thay đổi của Vưu tam thư thực sự bắt nguồn từ bên trong, tuyệt đối không phải giả dối lừa người… Thậm chí nàng còn bẻ gãy cái trâm, thề nếu trái lời thì số phận cũng như cái trâm vậy.

Giống như Vưu nhị thư, Vưu tam thư lột xác nhờ tình yêu. Vưu nhị thư còn bảo với Giả Liễn: “Dì ấy đã nói: người ấy một năm không đến, thì chờ một năm; mười năm không đến thì chờ mười năm. Nếu người ấy chết đi, thì dì ấy đành cắt tóc đi tu, ăn chay niệm phật, chứ quyết không lấy ai nữa.

Người mà Vưu tam thư yêu là ai? Chính là Liễu Tương Liên, một chàng trai trẻ tuổi, đẹp đẽ, con nhà dòng dõi thi thư. Tuy nhiên Liễu Tương Liên lại là kẻ vô tình. Giả Liễn có nhận xét rất chuẩn xác về anh ta: “Em không biết, chàng trai Liễu này là người rất phong nhã, nhưng bụng rất lạnh nhạt, đối với nhiều người không có tình nghĩa gì cả.”


Liễu Tương Liên 

Vưu tam thư cầm kiếm Uyên Ương – quà làm tin của Liễu Tương Liên. Trai gái xưa yêu nhau tặng nhau mớ tóc, khăn tay, viên ngọc, riêng Liễu Tương Liên thì tặng thanh kiếm lạnh lẽo lại có sát khí, đó là một điềm không lành.

Lần đầu tiên Liễu Tương Liên xuất hiện ở hồi bốn mươi bảy, tại một bữa tiệc có nhiều anh em trong họ Giả. Tiết Bàn, vốn mắc bệnh “Long Dương” (đồng tính) nhìn thấy chàng ta là đã chết mê chết mệt, hẹn ra ngoài thành gặp. Liễu Tương Liên liền giả cách đồng ý, nhân đó nện cho Tiết Bàn một trận thừa sống thiếu chết vì cái tội dám tán tỉnh mình.

Nói xong, lại lấy roi ngựa, đánh ba bốn chục roi vào lưng và đùi.
Tiết Bàn đã gần tỉnh rượu, đau quá không chịu nổi, kêu lên một tiếng “úi chao”. Tương Liên cười nhạt nói:
– Mới có thế thôi! Tao cứ tưởng mày dạn đòn!
Vừa nói vừa kéo chân trái Tiết Bàn dìm xuống bãi sậy, bùn lấm be bét, đầy người, lại hỏi:
– Mày đã biết tay tao chưa?
Tiết Bàn không trả lời, chỉ nằm gục xuống rên hừ hừ. Tương Liên lại vất roi đi, nắm tay đấm mấy quả. Tiết Bàn kêu rối rít lên:
– Xương tôi gãy cả rồi! Tôi biết em là người đứng đắn, chỉ vì tôi nghe người ta đồn nhầm đấy thôi!
– Không được kéo người ta vào. Mày chỉ được nói chuyện hiện giờ thôi.
– Hiện giờ tôi không có gì đáng nói cả? Chẳng qua em là người đứng đắn, tôi trót nhầm đấy thôi!
– Phải nói nhũn nữa, tao mới tha cho.
Tiết Bàn rén hừ hừ, nói: “Bạn ơi”. – Tương Liên lại đấm cho một quả nữa. Tiết Bàn kêu lên một tiếng, rồi nói: “Ông anh ơi” – Tương Liên lại đấm luôn cho hai quả nữa. Tiết Bàn vội kêu lên “úi chao ơi”, rồi nói:
– Ông ơi! ông tha cho con là thằng mù không có mắt! Từ nay trở đi, con kinh người, sợ lắm rồi.
– Mày phải uống hai ngụm nước bùn này đi!
– Nước này bẩn quá, con uống thế nào được?
Tương Liên lại giơ tay lên đấm. Tiết Bàn vội nói:
– Con xin uống… Con xin uống…
Sau khi bị đánh, ướt lóp ngóp, Tiết Bàn về gặp mẹ và em gái là Tiết Bảo Thoa

Tiết Bàn là nhân vật thô bỉ, xấu tính bậc nhất trong truyện, ai ai cũng ghét, đọc đến đoạn này, nhiều người không khỏi sướng đến mức hoa chân múa tay. Nhưng ít ai dừng lại để tự hỏi xem: Tiết Bàn có đáng bị Tương Liên đánh ác như vậy không? Nếu hắn ta dùng sức hoặc quyền lực cưỡng ép Tương Liên thì đã đành, đằng này Tiết Bàn đối với Tương Liên vô cùng tử tế, tôn trọng, thậm chí thích đến mê muội. Vụ này tác giả khéo bố trí từ trước để vẽ lên đặc tính cơ bản của Liễu Tương Liên: kiêu ngạo và vô tình. Đối với chàng ta, bất cứ tình cảm nào của con người cũng là xấu xí, hèn kém, yếu đuối. Trong tâm trí của Tương Liên, chữ “tình,” dù là tình yêu hay tình dục, tình nam hay tình nữ, đều dơ bẩn, không xứng với địa vị, con người anh ta. Sau này khi Tiết Bàn gặp nạn, Liễu Tương Liên lập tức ra tay cứu trợ, chứng tỏ cái anh ta khinh ghét không phải con người Tiết Bàn, mà chính là tình cảm của hắn.

Sau khi nghe Vưu tam thư thổ lộ, Giả Liễn bèn gặp Liễu Tương Liên để làm mối cho cô em vợ. Liễu Tương Liên đã định cưới Vưu tam thư, nhưng khi vừa thoáng nghe Bảo Ngọc lỡ miệng nhắc đến xuất xứ của Vưu tam thư, thái độ của anh ta thế nào?

Tương Liên nghe xong giậm chân nói:
– Việc này không xong rồi! Nhất định không thể lấy được! Trong phủ Đông nhà anh, ngoài hai con sư tử đá ra, dù con mèo, con chó cũng chẳng còn trong sạch nữa. Tôi không thèm làm anh chàng rùa đen đâu!
Bảo Ngọc nghe nói, đỏ bừng mặt.

Tình yêu của hai chị em họ Vưu trong sáng, mãnh liệt, song kết cục của họ thì sao? Có thể tóm tắt rằng, Tào Tuyết Cần đã dùng tình yêu “rửa tội” cho hai chị em nhà họ Vưu, song cũng đồng thời đẩy họ đến chỗ chết. Vưu nhị thư là người con gái hiền dịu, không tâm kế sâu xa, chẳng mấy chốc nàng đã ngây thơ nghe lời Phượng Thư, để bị đầy đọa cả thể xác lẫn tâm hồn. Cành hoa nhỏ đã bị chim phượng xéo nát, cái thai bị mất, nàng đành nuốt vàng mà chết, quả thực vô cùng đáng thương.

Vưu nhị thư nuốt vàng tự tử

Vưu tam thư thì bị Liễu Tương Liên từ chối, nàng đau đớn dùng cây kiếm “Uyên” trong cặp “Uyên Ương” tự sát chết trước mặt người trong mộng.

Vưu tam thư rút kiếm uyên ương

Chim uyên ương là biểu tượng lứa đôi trong văn hóa Trung Quốc, cách Vưu tam thư kết liễu cuộc đời do đó có tính biểu tượng rõ rệt. Chính là tình yêu đã giết nàng, đâu phải tại Liễu Tương Liên lạnh lùng tàn nhẫn, lãnh diện lang quân. Anh ta chỉ là một đại diện, biểu tượng cho cái gọi là đàn ông “tử tế” trong xã hội. Vưu tam thư phải chết vì nàng đã đánh đồng bản thể của mình vào tình yêu, khi tình yêu mất đi thì nàng không thể tồn tại nữa. Đúng như Vưu nhị thư phải thừa nhận:” Người ta có ép buộc dì ấy đâu, tự dì ấy tìm lấy cái chết.” Hai chị em họ, một người bị tình từ trong phá ra, một người dùng cái chết để trả nợ tình, quả thực là hai “nữ thánh” tử vì đạo, nếu đạo ở đây là tình ái.

Vưu tam thư tự sát

Sau cái chết của Vưu tam thư, Giả Liễn định ra lệnh trói Liễu Tương Liên giải lên quan phủ đòi người, nhưng Vưu nhị thư ngăn lại

Ở đoạn cuối chương sáu mươi sáu, Liễu Tương Liên hội ngộ Vưu tam thư trong giấc mơ, nàng nói: ”Thiếp lại từ trời tình, đi từ đất tình. Kiếp trước đã lầm vì tình, kiếp này lại xấu hổ vì tình, nên mới được giác ngộ.” Câu này thực đã tóm hết nội dung của Hồng Lâu Mộng vậy. Trong cõi “mộng” đấy, quả thực không có kết cục tốt đẹp cho kẻ đa tình. Người đọc ngậm ngùi chỉ biết lắc đầu thở dài, nhưng thế giới hiện thực liệu có thực sự khác truyện kể chăng?

*

No comments:

Post a Comment