Monday, April 10, 2017

Đầu bếp tráng miệng của Nhà Trắng: tự hào vì được phục vụ

Ở chùm bài trước chúng ta đã cùng du ngoạn đến Nhà Trắng qua những tác phẩm hoa đẹp đẽ của bà Nancy Clarke. Nhưng cuộc sống trong toà Bạch Ốc uy nghi còn có nhiều khía cạnh khác không kém phần hấp dẫn, điển hình là phần bếp núc. Nhân vật kỳ này là Roland Mesnier, một huyền thoại trong giới ẩm thực Mỹ.




Trong suốt 26 năm, với vai trò bếp trưởng phụ trách món tráng miệng (White House Executive Pastry Chef), Roland Mesnier đã đem lại những nốt nhạc ngọt ngào khó quên cho các gia đình Tổng thống. Giống như nhiều nhân viên kỳ cựu khác trong Nhà Trắng, cuộc đời và sự nghiệp của Roland Mesnier tràn ngập những câu chuyện thú vị, hy hữu.

Roland Mesnier cùng Bush cha và Barbara Bush trong một bữa tiệc Giáng sinh tại Nhà Trắng.

Ông Roland Mesnier sinh năm 1944 tại Bonnay, một ngôi làng bé tí teo tại Pháp trong gia đình có chín người con. Cuộc sống thời thơ ấu của ông không quá khá giả nhưng tương đối bình yên và hạnh phúc. Kỷ niệm đẹp nhất của ông về thời kỳ này là những lần được mẹ dẫn tới cửa hàng bánh ngọt của anh trai. Cậu bé Roland Mesnier lập tức bị quyến rũ bởi mùi hương thơm nức của đường, bột, bơ cùng hoa quả tươi. Có lẽ ước mơ làm bánh chuyên nghiệp của Roland Mesnier đã nhen nhúm từ khi đó. Vừa tròn 14 tuổi, ông xa nhà để chính thức học việc tại thành phố giàu bề dày lịch sử Besancon. Ngay từ khi còn trẻ, Roland Mesnier đã sớm chứng tỏ mình là một tài năng đáng gờm. Ông không chỉ nhanh chóng thành thạo các loại bánh mì, kẹo mứt, chocolate, mà còn khéo kết hợp các thể loại đồ ngọt khác nhau để tạo ra những tác phẩm mới lạ. Qua 17 tuổi, ông tới kinh đô bánh ngọt Paris. Từ đó dần dần ông đi khắp châu Âu để tích luỹ kinh nghiệm và thành thạo thêm tiếng Anh, tiếng Đức. Ông đã làm việc tại khách sạn Savoy tại London, rồi lại chuyển sang Hamburg (Đức) và Virginia (Hoa Kỳ.)

Roland Mesnier được các bạn đồng nghiệp bầu chọn là Thợ làm bánh xuất sắc nhất tại Pháp năm 1973

Sau gần 20 năm lăn lộn với nghề và gây được tiếng vang không nhỏ, ông được Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter tuyển làm bếp trưởng đồ tráng miệng ở Nhà Trắng. Đây có thể không phải vị trí được trả lương cao nhất trong ngành bánh trái, nhưng về mặt danh giá thì khó có ai bằng.

Roland Mesnier bắt tay tổng thống Carter khi nhậm chức White House Executive Pastry Chef.

Đối với Roland Mesnier, phục vụ năm đời Tổng thống liên tiếp là niềm tự hào chói sáng trong sự nghiệp của ông. Mesnier từng tuyên bố: “Nhà Trắng là đỉnh của đỉnh rồi (the top of the top). Nếu Nhà Trắng còn chưa phải số một thì đâu mới là số một nữa?” Ông cũng vui vẻ thừa nhận: “Có những khách sạn lớn tại Las Vegas và Paris sẵn sàng trả tôi nhiều gấp ba, gấp bốn số tiền tôi kiếm được ở Washington, nhưng tôi không hề có ý định rời đi.” Lòng tự hào vì được phụng sự gia đình Tổng thống cùng tinh thần sống chết với nghề là những điều người viết bài này thấy lặp đi lặp lại khi đọc về các nhân viên Nhà Trắng.

Roland Mesnier nghiêm trang chào George W. Bush khi đón Tổng thống trở về Nhà Trắng trên phi cơ Marine One 29.

Trách nhiệm của Roland Mesnier vô cùng to lớn: ông phải lo đồ tráng miệng cho gia đình Tổng thống, thêm vào đó còn phục vụ cả những bữa tiệc đón khách cấp cao, và những dịp vui chơi liên miên trong toà Bạch Ốc. Theo thống kê, chỉ trong một mùa Giáng sinh tầm tầm, khách khứa của nhà Bush đã tiêu thụ hết hơn 1000 lít eggnog và 700 cái bánh ngọt, đấy là chưa kể quả bánh gừng đồ sộ nặng 150kg (chỉ để nhìn chứ không được ăn). Mà so ra thì gia đình Bush còn thuộc loại ít tiệc tùng trong số các chủ nhân Nhà Trắng cơ đấy. Nghe vậy là đủ biết công việc của ông Roland Mesnier nhiều thử thách, nhưng cũng vì thế mà không khi nào nhàm chán.

Roland Mesnier cùng Laura Bush và bánh gừng hình Nhà Trắng.

Roland Mesnier có tình cảm sâu nặng với nhà Carter, phần bởi Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter chính là người nhìn ra tài năng của ông, phần còn lại vì họ chính là gia đình Tổng thống đầu tiên mà ông phục vụ. Ông có một kỷ niệm đặc biệt với cô bé Amy Carter – con gái Tổng thống. Rất thích tự nướng bánh, mỗi ngày sau khi đi học về, Amy thường chạy xuống bếp đòi Roland Mesnier soạn cho mình những nguyên liệu làm món bánh quy đường yêu thích. Nhưng Amy Carter cũng là một đứa trẻ đãng trí. Cô thường xuyên bỏ đi chơi ván trượt hoặc chui vào nhà cây nghịch ngợm để quên bánh quy cháy khét lẹt, gây ra vô số vụ hoảng hốt trong Nhà Trắng. Biết tính cô rồi nên Roland Mesnier luôn chuẩn bị sẵn hai mẻ nguyên liệu, nhỡ mẻ này cháy thì ông còn kịp nướng mẻ khác để Amy mang đến trường.

Roland Mesnier và chú vịt chocolate dành cho cháu trai của tổng thống Jimmy Carter nhân ngày Phục sinh (Amy Carter ngồi phía sau trên sofa.)

Một điểm đặc biệt của Roland Mesnier, cũng là thế mạnh giúp ông giữ được vị trí số một trong thời gian dài là khả năng “đọc vị” các Tổng thống. Trước khi mỗi Tổng thống mới chuyển vào Nhà Trắng, Roland Mesnier luôn tìm cách dò hỏi về khẩu vị và sở thích của gia đình “Đệ nhất.” Thay vì nghe lời các cố vấn chính trị của Obama – những người tự tin tuyên bố biết gia đình họ thích ăn gì, ông kín đáo gặp trực tiếp những người thân của Obama để nắm rõ tính tình chủ nhân tương lai. Một lần khác, trợ lý của George W. Bush nói ông không cần khéo lo quá, nhà Bush xuất thân từ Texas nên ăn uống đơn giản lắm, cứ làm một cái bánh angel cake với dâu tươi là được. Ông Roland Mesnier bèn gạt đi ngay lập tức: “Tôi chưa bao giờ làm một cái bánh angel cake tầm thường với quả dâu nhét ở giữa. Cứ để gia đình Tổng thống chứng kiến anh có khả năng làm gì, họ sẽ quên ngay những thứ họ từng coi là ngon chuẩn.”

Bánh sinh nhật hình cần câu và con cá to tặng Tổng thống Bush – một người mê câu cá. Bên cạnh bánh có dòng chữ làm bằng chocolate “Mừng sinh nhật ngài Tổng thống. Chúc ngài bắt được chú cá bự.”

Tận tình với người mới không có nghĩa là lãng quên người cũ. Giống như những người làm việc lâu năm khác trong Nhà Trắng, Roland Mesnier luôn gắn bó một cách tự nhiên với các đời Tổng thống, đến nỗi mỗi khi tiễn một gia đình ra khỏi Nhà Trắng thì cảm giác của ông đau buồn như “đi dự đám tang vậy.” Một điều lạ lùng nữa là những người phục vụ gia đình Tổng thống, bao gồm Mesnier, thường có xu hướng phi chính trị. Có lẽ việc thường xuyên gặp gỡ và tiếp xúc với Tổng thống dưới khía cạnh “người với người” đã giúp xoá nhoà khái niệm đảng phái, và công việc trong Nhà Trắng cũng dễ dàng hơn khi họ không bị chi phối bởi yêu ghét thiên lệch. Đối với Mesnier, Ronald Reagan đơn giản là một người mê của ngọt nhưng luôn bị vợ kiểm soát chặt chẽ bắt ăn kiêng, còn Bill Clinton thích ăn uống nhưng lại dị ứng đủ thứ (chocolate, bơ, sữa) nên ông Roland Mesnier cứ phải hoa quả tươi mà chiến.

Roland Mesnier bên cạnh những khay bánh quy ngon lành.

Dù gì thì gì, khi tổng thống Bush cha thất bại trong việc tái đắc cử, Roland Mesnier cũng vô cùng thất vọng. Theo lời kể của những người làm dưới thời Bush cha, vợ chồng Tổng thống hiền lành và gần gũi với nhân viên giống như… ông bà nội vậy. Mesnier thì nói Barbara Bush có một “trái tim vàng.” Vị phu nhân vui tính này luôn tới thăm ông mỗi ngày tại bếp bánh chỉ để nói chào buổi sáng. Bà thích trêu chọc ông, thường lấy tệp hồ sơ đập vào vai ông mỗi khi thấy ông trong sảnh và nói đùa: ‘Anh chàng này làm gì ở đây mà không đi nướng bánh quy đi.’ Biết tỏng Barbara Bush không thích “bị” hát tặng Happy Birthday ồn ào, ông làm riêng một chiếc bánh sinh nhật nhỏ nhắn với những nốt nhạc của bài hát để bà nhấm nháp trong yên lặng. Mesnier đã trở nên thân thiết với nhà Bush đến nỗi ông coi việc nhà Clinton thắng cử là một “thảm hoạ có thật” và suýt có ý định nghỉ việc. Nhiều nhân viên khác trong Nhà Trắng cũng mang cảm xúc như ông – số người cáo ốm lên cao đến mức nảy ra trò đùa là họ bị dính virus “Cúm đảng Cộng Hoà” (Republican flu).

Roland Mesnier và gia đình Bill Clinton.

Dù mất một thời gian để quen, Roland Mesnier cũng dần phát triển tình cảm quý mến với nhà Clinton. Vóc dáng béo mập nhưng luôn nhanh nhẹn với đôi má hồng hào, Roland Mesnier không đơn giản là một thợ làm bánh – ông là một người bạn thân thiết, thậm chí là chỗ dựa tinh thần của mỗi gia đình Tổng thống. Theo Roland Mesnier, thưởng thứ đồ tráng miệng không phải để cốt no cái bụng, vậy nên một món tráng miệng hoàn hảo phải khiến cả năm giác quan sung sướng và tạo cảm giác hạnh phúc cho thực khách. Với tâm thế đấy, ông luôn vắt óc nghĩ ra những cách để món tráng miệng có thêm ý nghĩa.

Roland Mesnier trong tiệc sinh nhật của Chelsea Clinton năm 1994 tại phòng sưởi nắng của Nhà Trắng (Solarium – một nơi cũng rất được các cô bé nhà Obama ưa thích)

 Lớn lên trong Nhà Trắng không hề dễ dàng như những câu chuyện cổ tích. Đối với Chelsea Clinton, tuổi dậy thì của cô lại càng khó khăn hơn bạn đồng trang lứa vì nhất cử nhất động đều bị cánh báo chí mổ xẻ. Sinh nhật 16 tuổi của Chelsea chính là dịp để ông Roland Mesnier đem lại niềm vui cho cô bé, nhưng ông không muốn làm một chiếc bánh kem gắn hoa – nó quá tầm thường. May thay trên đường lái xe đi làm, ông tình cờ nghe được trên đài radio rằng Chelsea đang hy vọng có chiếc ôtô đầu tiên và lấy cả bằng lái nữa. Nhờ gợi ý này, Roland Mesnier đã chế tác một chiếc oto nhỏ như thật bằng bánh với đầy đủ biển số của Washington, DC. Khi đưa bánh cho người vận chuyển (tiệc sinh nhật của Chelsea được tổ chức tại Camp David, cách Nhà Trắng chừng 60 dặm), ông không quên dặn dò kỹ lưỡng cách xử lý và còn bắt anh chàng hứa chụp ảnh bánh nguyên vẹn khi đến nơi. Nhân dịp sinh nhật thứ 50 của Hillary Clinton, ông trổ tài kéo đường thành những quả bóng bay rực rỡ để đi kèm cuốn sách It Takes a Village – tác phẩm đầu tay của Đệ nhất phu nhân (sách bằng bánh kem và trang trí y như sách thật.)

Tổng thống Bill Clinton xúc động trước tác phẩm bánh gừng làm theo nguyên mẫu ngôi nhà thời thơ ấu của ông – một bất ngờ đến từ Roland Mesnier.

Tất nhiên cuộc sống không chỉ toàn màu nắng mà còn có những ngày mưa, kể cả có là Tổng thống quyền lực đi chăng nữa. Thử thách lớn nhất của gia đình Clinton có lẽ không gì khác ngoài vụ scandal với Lewinsky. Đó cũng là một quãng thời gian thật đen tối trong Nhà Trắng. Tất cả đều cúi đầu làm việc, ít hẳn nói cười. Sự căng thẳng đè nặng lên tâm trí mọi người, đâu đó có xì xào về việc Hillary đánh Bill đến chảy máu đầu, rồi những lời bàn tán về việc luận tội Bill. Giữa tình cảnh đó, gần như tất cả các nhân viên trong Nhà Trắng đều hết lòng hỗ trợ tinh thần cho gia đình Clinton bằng mọi cách có thể.

Vợ chồng Bill Clinton giữa tâm bão

Sự an ủi của Roland Mesnier dành cho Hillary cũng đến dưới dạng… bánh ngọt. Món tráng miệng ưa thích của Hillary Clinton là những chiếc bánh mocha nhỏ. Khi scandal diễn ra, mỗi chiều muộn, Hillary Clinton lại gọi điện xuống bếp với giọng nghẹn ngào và yêu cầu một chiếc bánh mocha. Những chiếc bánh mocha – một niềm hạnh phúc bình dị nhỏ nhoi đã góp phần giúp Hillary Clinton giữ thăng bằng trong khi thế giới của bà tưởng như sụp đổ. Trong những ngày khó khăn đó, Roland Mesnier luôn sẵn sàng nguyên liệu để làm bánh mocha và theo ông thì “Tôi đã làm không biết bao nhiêu chiếc bánh mocha mà kể.”

Khoảnh khắc vui vẻ giữa Hillary Clinton và vị đầu bếp thân thiết.

Cũng giống như Nancy Clarke, trách nhiệm của Roland Mesnier trở nên đặc biệt nặng nề vào những dịp lễ lạt và các buổi tiệc tùng cấp cao. Về lễ lạt thì Giáng Sinh cùng Phục Sinh luôn là trọng thể nhất. Thế nhưng bất chấp khối lượng công việc căng thẳng, Roland Mesnier luôn dành tặng mỗi đồng nghiệp một chiếc bánh tùy theo ý thích mỗi dịp Giáng sinh, số lượng tổng cộng lên đến cả trăm chiếc fruit cake, stollen, pound cake đủ loại. Khi được hỏi sao phải “đeo thêm việc vào người,” Roland Mesnier chỉ trả lời đơn giản: “Những đồng nghiệp trong Nhà Trắng chính là gia đình của tôi.”

Roland Mesnier cùng trang trí bánh gừng với Mark Ramsdell.

Cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm của Roland Mesnier trong những ngày lễ tại Nhà Trắng:
Hillary Clinton cùng một quả trứng Phục Sinh bằng chocolate do Roland Mesnier chế tạo. Trên nóc trứng là một chú công làm hoàn toàn bằng đường kéo (pulled sugar)

Tác phẩm Phục Sinh này còn “chất” hơn: chú chó Barney bằng chocolate đóng vai hoạ sĩ vẽ hình chú chó Spot trên quả trứng còn lại, tất nhiên cũng bằng chocolate nốt! Barney và Spot là hai chú chó của nhà Bush.

Tòa Bạch Ốc bánh gừng lần này có bốn cư dân đặc biệt: bốn chú mèo tí hon nặn bằng marzipan, làm theo nguyên mẫu chú mèo Socks của nhà Clinton. Bên phải chính là mèo Socks “xịn” thò đầu vào ngửi ngửi. Socks được Hillary Clinton đặt tên như vậy vì bốn chân trắng như đi bít tất.

Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter cùng Roland Mesnier ngắm tác phẩm bánh gừng theo chủ đề “Nghệ thuật dân gian thời kỳ thuộc địa,” năm 1979

Hillary Clinton và Roland Mesnier

Nói đến tiệc tùng hội hè thì cả Nancy Clarke lẫn Roland Mesnier đều đồng ý: nhà Clinton là “ăn chơi không sợ mưa rơi” nhất. Tiệc đón Giao thừa năm 2000 chẳng hạn, nhà Clinton mời đến Nhà Trắng tổng cộng 1500 người! Trong những dịp đông đúc như thế, món tráng miệng thường được Roland Mesnier ưa chuộng là bánh shortcake dâu tây nướng trong khay to, dùng với kem tươi và kem lạnh. Để phục vụ cho bữa tiệc ngày 31-12-1999, Roland Mesnier đã không rời chỗ làm một bước cho tới tận 7h sáng hôm sau. Ông làm việc liên tục trong 16 tiếng đồng hồ, chỉ nghỉ 20 phút khi ăn, và ngay cả khi đó ông cũng không dám đặt mông ngồi xuống. Đôi chân ông tưởng chừng tê liệt và “nhà Clinton suýt thì giết tôi chết luôn”. Để dễ bề so sánh, trong suốt nhiệm kỳ của mình, nhà Clinton tổ chức tất cả 29 buổi lễ cấp quốc gia, so với 6 buổi của nhà Bush!
Roland Mesnier bận rộn trong bếp đồ tráng miệng của Nhà Trắng. Đây chính là vương quốc nhỏ lưu giữ các tài liệu, công thức, cùng những dụng cụ yêu thích của ông

Trong 26 năm làm ở Nhà Trắng, các buổi tiệc cấp nhà nước là những sự kiện gây ấn tượng nhất với Roland Mesnier. Đó không chỉ là dịp để ông phô diễn tài nghệ mà còn phải gánh vác cả thể diện quốc gia nữa. Đối với Roland Mesnier, món tráng miệng trong những bữa tiệc cao cấp này phải được nâng lên tầm nghệ thuật thì mới xứng danh ông. Tiệc mừng thủ tướng Úc, ông tạo ra “Ngọc trai đen Úc” (Australian Black Pearl), một vỏ sò bằng chocolate trắng với rong biển, cá, ngọc trai làm hoàn toàn bằng chocolate đen. Tiệc mừng thủ tướng Nhật, ông kỳ công dựng một khu vườn bonsai có tên “Sự thanh thản ngọt ngào” (Sweet serenity), với sorbet anh đào, mousse hạnh nhân, những chiếc bánh macaron dừa tí hon, kẹo nougat, đào tươi, và quả kim quất. Để sáng tạo được những món tráng miệng tuyệt vời như thế, ông thường giam mình suy tư trong văn phòng nhỏ trên tầng ba của Nhà Trắng trong nhiều ngày, thậm chí thức khuya nghĩ ngợi (nơi làm việc của ông có giường và sofa nhỏ để ông “cắm trại” qua đêm nếu cần.) 

Món Mango Coconut Lei phục vụ trong tiệc mừng Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo năm 2003.

Trong số những lễ tiệc cấp cao mà Roland Mesnier đã góp phần chuẩn bị, có ba lần khiến ông nhớ mãi. Thứ nhất là buổi lễ đón mừng Nữ hoàng Beatrix của vương quốc Hà Lan, diễn ra trong thời Reagan. Tất cả những ý tưởng ông trình lên Nancy Reagan đều bị phu nhân gạt đi không thương tiếc. Khi chỉ còn hai ngày trước khi sự kiện diễn ra, Nancy Reagan mới gọi ông lên và đưa ra ý tưởng riêng của bà: Nancy Reagan muốn Mesnier kéo đường thành 15 chiếc giỏ, mỗi chiếc chứa 3 bông tulip cũng bằng đường và trang trí với bánh quy. 

Kéo đường thành hình là một nghệ thuật vất vả và tỉ mẩn, bởi chỉ cần đường nguội một chút là không kéo được nữa. Toát mồ hôi hột vì yêu cầu quá sức phức tạp của Đệ nhất phu nhân, ông lắp bắp: “Nhưng chỉ còn hai ngày nữa thôi.” Phu nhân nhẹ nhàng sửa lại: “Hai ngày và hai đêm, Roland.” Không còn cách nào khác, Roland đành cắm đầu vào làm việc không nghỉ. Nỗ lực của ông được đền đáp bởi thành công rực rỡ của bữa tiệc. Nhiều khi Nancy Reagan làm Roland phát điên đến mức “muốn tự sát” vì tính cầu toàn và đòi hỏi của bà, nhưng khi nhìn lại, Roland Mesnier lại cảm ơn Nancy Reagan. Những thử thách đó đã tôi luyện ông cả về tài nghệ lẫn nỗ lực, khiến ông thực sự trở thành “thiên hạ đệ nhất.”

Ông Roland Mesnier trong bếp. Trên giá là bản sao một số tác phẩm để đời của ông, có thể thấy hai chiếc giỏ tulip ở góc bên trái.

Bữa tiệc thứ hai để lại dấu ấn khó phai với Roland Mesnier chính là bữa tiệc lịch sử mời vợ chồng Mikhail Gorbachev mà chúng ta đã đọc qua ở bài trước. Trước khi bữa tiệc diễn ra, Roland Mesnier đã đọc nhiều tài liệu về đời sống ở nước Nga Xô Viết. Được biết rằng ở Nga, những quả raspberry (mâm xôi) rất hiếm và đắt tiền, “đắt như vàng và quý như trứng cá caviar”, ông cố tình sử dụng thật nhiều raspberry trong món tráng miệng. Không ngờ chỉ vài ngày sau bữa tiệc, Gorbachev đã gửi đến cho ông hai lọ lớn (3.5kg) chứa đầy caviar thượng hảo hạng như một lời cảm ơn! Theo luật ở Nhà Trắng, tất cả mọi thứ thức ăn từ bên ngoài đều phải bị tiêu huỷ vì sợ… đầu độc, nhưng ông Roland Mesnier đã phá lệ một lần duy nhất và ôm hai lọ trứng cá về nhà. Khi bị đồng nghiệp phản đối, ông chỉ nói: “Vì cái của này thì có chết cũng bõ.”

Roland Mesnier cùng lên thực đơn tráng miệng với Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan

Kỷ niệm thứ ba, cũng là một lần “hút chết” với Roland Mesnier là tiệc mừng nữ hoàng Đan Mạch, thời nhà Bush. Món tráng miệng được ông chọn là souffle nóng với raspberry, nhưng ông đánh tưởng gãy tay mà lòng trắng trứng vẫn không chịu nổi! Mesnier đã gần tuyệt vọng, tưởng đâu ông sẽ phải treo tạp dề xin giải nghệ ngày hôm sau. May sao giữa chừng ông liền biến đổi cách làm, thay đường nấu bằng đường thường để tiết kiệm thời gian, sau đó dùng cách nướng cách thủy trên bếp để souffle nhanh chóng phồng lên. Do kinh nghiệm nấu nướng lâu năm, ông biết nhiệt độ tập trung trên bếp điện sẽ cao gấp ba lần nhiệt trong lò nướng. Món souffle “dã chiến” đã cứu cho sự nghiệp của ông một bàn thua trông thấy.

Roland Mesnier và một tác phẩm với trái cây tươi, chocolate

Cũng như bà Nancy Clarke, ông Roland Mesnier luôn đặt công việc lên trên hết. Trong 26 năm làm việc ở Nhà Trắng, ông đã bỏ qua vô số bữa tiệc sinh nhật và bữa tối của chính gia đình mình. Không ít lần cuối tuần ông lái xe về nhà sum họp cùng vợ con, để rồi lại quay đầu về hướng Nhà Trắng khi nghe có tin gia đình Tổng thống định tổ chức tiệc “bất thình lình.” Ngay cả khi phải chịu những cơn hoảng loạn do sang chấn tâm lý sau vụ 11/9, ông vẫn quyết không nghỉ việc. Từ năm 2000, vợ ông bắt đầu gây áp lực bắt ông nghỉ hưu. Sau 4 năm giằng co và hứa hẹn, ông chính thức về vườn. Thế nhưng công việc của ông vẫn không dừng lại ở đó. Ngay cả khi đã rửa tay gác… máy đánh trứng ở Nhà Trắng, Roland Mesnier vẫn tiếp tục viết sách, xuất hiện trên truyền hình, và tham gia các chương trình thiện nguyện. Ông đặc biệt quan tâm đến trẻ em, nhất là các trẻ em bị thiệt thòi về trí tuệ.

Roland Mesnier gặp gỡ các sinh viên ở trường Worcester

Roland Mesnier cùng làm bánh với bé gái bị Down

Bìa cuốn All the Presidents’ Pastries của ông Roland Mesnier

Ông có lẽ cũng là nhân viên duy nhất trong lịch sử Nhà Trắng còn quay lại làm việc hai lần (!!) sau khi nghỉ hưu, cả hai lần đều do yêu cầu của Đệ nhất phu nhân Laura Bush. Lần đầu, ông xuất hiện để tự tay làm bánh mừng sinh nhật Tổng thống Bush. Hai tuần sau, ông quay lại và ở đến tận tháng Mười hai năm 2006. Sau khi đã chính thức rời đi, ông vẫn luôn quan tâm đến các gia đình Tổng thống như những người bạn cũ. Ngay cả bây giờ, Roland Mesnier cũng chưa thôi lưu luyến Nhà Trắng. Mỗi khi nghe phong thanh về một sự kiện sắp xảy ra, ông sẽ bắt đầu lên thực đơn tráng miệng trong… giấc mơ. Mới tháng 6 năm ngoái thôi, Roland Mesnier còn đảm nhiệm bánh kỉ niệm 70 năm ngày cưới của vợ chồng cựu Tổng thống Jimmy Carter…

Roland Mesnier biểu diễn tay nghề tại hội chợ sách Texas, 2007

Là người đã tạo ra những món tráng miệng “ảo diệu” nhất trong lịch sử Nhà Trắng, nhưng bản thân Roland Mesnier lại có khẩu vị đơn giản. Khi được phỏng vấn ông khoái ăn gì nhất khi bụng cồn cào giữa đêm, ông đã chọn bánh táo (apple pie): chua vừa phải, không quá giòn, không quá mềm, vỏ bánh giòn vụn. “Chỉ cần như vậy thôi là tôi hạnh phúc lắm rồi.”


*



No comments:

Post a Comment